Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính từ đầu năm đến 19/6, cả nước chịu ảnh hưởng của 1 trận áp thấp nhiệt đới; 16 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 120 trận giông lốc, sét, mưa đá; 2 đợt rét đậm, rét hại...
Thiên tai đã khiến 33 người chết, mất tích; gần 150 nhà sập đổ, hơn 7.600 nhà hư hỏng; 36.470ha lúa, hoa màu và hơn 700 ha cây trồng khác ngập úng. Ước tính tổng giá trị thiệt hại hơn 210 tỷ đồng.
Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, từ 17 đến 19/6, ảnh hưởng của mưa to kèm theo lốc, sét đã làm 1 người chết, 1 người bị thương (tại Sơn La).
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, khu vực từ Thanh Hoá đến Phú Yên ngày 20/6 có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Ngày 21/6, dự báo có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Ngày 21/6, ở khu vực Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C.
Thiên tai làm hư hỏng nhiều ngôi nhà. Ảnh minh hoạ
Cảnh báo, nắng nóng ở Hoà Bình, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 21/6.
Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 23/6; từ ngày 24/6 nắng nóng có khả năng giảm dần. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp 1.
Bên cạnh đó, ngày và đêm 20/6, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 80mm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nắng nóng để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Việt Hương (T/h)