Theo Luật sư Long, dòng tiền mà người Việt dùng để mua nhà ở Mỹ có thể "xuất ngoại" thông qua các hợp đồng khống hoặc qua kênh bạn bè, người thân, người quen tại Mỹ để làm hợp đồng vay vốn.
Vừa qua, thông tin người Việt Nam chi khoảng 3 tỷ đô la qua Mỹ mua nhà và đã đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có vấn đề là dòng tiền đã "ra nước ngoài" bằng cách nào vì theo Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN chỉ cho phép mỗi cá nhân Việt Nam xuất cảnh được mang theo người lượng ngoại tệ tối đa không phải khai báo hải quan là 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
Về vấn đề này, chúng tôi đã có những trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) để thông tin cụ thể hơn tới độc giả.
Xin luật sư cho biết, hiện nay, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam đã cởi mở cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mang tiền ra nước ngoài mua nhà hay chưa?
Luật sư Nguyễn Minh Long: Hiện nay, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam chưa cởi mở cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mang tiền ra nước ngoài mua nhà. Cụ thể, tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo các hình thức sau:
1- Cá nhân chuyển ngoại tệ một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài: (Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP)
Công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích sau:
+ Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
+ Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
+ Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
+ Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
+ Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
+ Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;
+ Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền.
2- Cá nhân mang ngoại tệ ra nước ngoài khi xuất cảnh
Mức ngoại tệ tiền mặt cá nhân phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh (Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN):
- Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt trên 5.000 USD (năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các ngoại ệ khác có giá trị tương đương phải khai báo Hải quan cửa khẩu.
- Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.
Luật sư Nguyễn Minh Long |
3- Nhà đầu tư đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:
- Nhà đầu tư gồm: (Điều 2 NĐ83/2015/NĐ-CP)
+ Tổ chức kinh tế thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật hợp tác xã;
+ Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng;
+ Hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam;
+ Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư khi đáp ứng đủ các điều kiện (Điều 19 NĐ 83/2015/NĐ-CP):
+ Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
+ Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
+ Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 63 của Luật đầu tư 2014, tức là tài khoản vốn mở tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
- Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài liên quan đến dự án đầu tư được thực hiện thông qua một tài khoản ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam và được đăng ký với Ngân hàng nhà nước Việt Nam (Điều 14 pháp lệnh ngoại hối, Điều 19 NĐ 83/2015/NĐ-CP)
- Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm:
+ Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư;
+ Khảo sát thực địa;
+ Nghiên cứu tài liệu;
+ Thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án đầu tư;
+ Tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể các việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư;
+ Tổ chức hội thảo, hộ nghị khoa học;
+ Thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư;
+ Tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư;
+ Tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên bán công ty hoặc theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư;
+ Đàm phán hợp đồng;
+ Mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài.
- Hạn mức chuyển ngoại tệ không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, việc mua nhà ở nước ngoài không được coi là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định hiện hành. Chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam chưa “mở” cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam mang tiền ra nước ngoài mua nhà.
Nếu chính sách ngoại hối chưa cởi mở về vấn đề trên thì theo luật sư, tiền có thể “ra nước ngoài” qua các kênh nào?
Luật sư Nguyễn Minh Long: Tiền có thể “ra nước ngoài” qua các kênh:
- Chuyển tiền thông qua một hợp đồng khống như vay vốn khống, xuất khẩu khống, mua bán bất động sản khống... hợp đồng khống để tiền phải được chuyển vào tài khoản ngân hàng của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật nước ngoài nơi nhận tiền chứ không phải mang tiền mặt vào nước đó (Hay nói cách khác là chuyển “chui” qua các công ty tư vấn, công ty chuyển tiền...)
Ví dụ như với giao dịch bất động sản khống. Nhà đầu tư trong nước có thể làm hợp đồng bán bất động sản tại Việt Nam cho Việt kiều Mỹ và yêu cầu bên mua chuyển tiền vào tài khoản cho chủ đầu tư dự án tại Mỹ. Việc mua bán này thực tế không xảy ra. Nhà đầu tư sẽ chuyển số tiền cho công ty trung gian (do công ty tư vấn giới thiệu). Công ty trung gian này sẽ chuyển trả cho Việt kiều mua bất động sản. Với hình thức này, khách hàng mất 3% phí chuyển tiền.
- Một hình thức khác là tự tìm bạn bè, người thân, người quen biết tại Mỹ để làm hợp đồng vay vốn. Cá nhân ở Mỹ sẽ chuyển số tiền vào tài khoản chủ đầu tư ở Mỹ theo yêu cầu. Phí trong trường hợp này là khoảng 1% trên tổng giá trị đầu tư.
Vậy theo luật sư, cần có những giải pháp như thế nào để kiểm soát nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài trong những trường hợp như thế này? Và chế tài xử phạt đối với các trường hợp nói trên nếu vận chuyển trái phép tiền tệ?
Luật sư Nguyễn Minh Long: Ngân hàng nhà nước nên xem xét việc tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ để thu hút nguồn ngoại tệ trong dân gửi vào các ngân hàng. Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư ra nước ngoài để tránh tình trạng lợi dụng hợp đồng hoặc dự án khống để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.
Trong trường hợp cá nhân chuyển trái phép ngoại tệ qua biên giới thì tùy từng hành vi, cá nhân có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009:
“Điều 154. Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới:
1. Người nào vận chuyển trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này;
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Hàng cấm có số lượng rất lớn;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Phạm tội nhiều lần;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”