Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người Việt chi 3 tỷ đô mua nhà ở Mỹ: Có bất thường?

(DS&PL) -

Việc người Việt Nam mua nhà ở Mỹ là bình thường, vấn đề là nguồn tiền dùng để mua nhà là thu nhập hợp pháp hay là tiền do phạm tội mà có mới là điều đáng quan tâm

"Việc người Việt Nam mua nhà ở Mỹ là bình thường, vấn đề là nguồn tiền dùng để mua nhà là thu nhập hợp pháp hay là tiền do phạm tội mà có mới là điều đáng quan tâm" - Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định.

Vừa qua, theo số liệu từ Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR) thì trong năm tài chính vừa qua (tính từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017), người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ; trong đó, số tiền người Việt bỏ ra chiếm 2%, tương đương 3,06 tỷ USD (khoảng hơn 68.000 tỷ đồng). Do đó, Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Được biết, Việt Nam đã đứng trong danh sách này 5 năm liên tiếp, từ năm 2013.

Số liệu trên được báo chí thông tin đã làm dấy lên nhiều băn khoăn trong dư luận. Bởi vì hiện nay, theo quy định, mỗi cá nhân Việt Nam xuất cảnh chỉ được mang theo người lượng ngoại tệ tối đa không phải khai báo hải quan là 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Nếu số ngoại tệ mang theo trên 5.000 USD nhưng không xuất trình được giấy phép của ngân hàng thương mại, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì số tiền chênh lệch này sẽ bị hải quan tịch thu và sung công quỹ. Thậm chí, những trường hợp xuất cảnh mang theo ngoại tệ vượt quá mức quy định cho phép có giá trị lớn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép tiền tệ.

Do vậy, dư luận băn khoăn không hiểu người Việt chuyển hàng tỷ đô ra nước ngoài có bị coi là vi phạm pháp luật hay không.

TS. Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu

Theo quan điểm của TS. Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), thực chất việc người Việt Nam mua nhà ở Mỹ là bình thường, vấn đề là nguồn tiền dùng để mua nhà là thu nhập hợp pháp hay là tiền do phạm tội mà có mới là điều đáng quan tâm.

"Theo quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam có quyền đầu tư ra nước ngoài ở mọi lĩnh vực, trong đó có đầu tư bất động sản; miễn là họ tuân thủ quy định của Luật Đầu tư. Không chỉ được phép đầu tư ra nước ngoài, pháp luật cũng tôn trọng quyền được di cư ra nước ngoài để sinh sống. Như vậy, người Việt chỉ cần đầu tư để mua nhà ở, nhà cho thuê ở nước ngoài là có thể đủ điều kiện định cư tại nước đó. Và khi định cư ở nước ngoài thì công dân có quyền dịch chuyển tài sản từ Việt Nam tới quốc gia mà họ sẽ định cư.

Từ khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, đã có hàng trăm tỷ đô la kiều hối chuyển về Việt Nam và việc thay đổi chiều chuyển dịch tài sản từ Việt Nam ra nước ngoài cũng là bình thường, phù hợp với thông lệ quốc tế" - TS. Luật sư Lê Văn Thiệp phân tích.

Theo quan điểm của Luật sư Thiệp thì tiền vốn luôn được đầu tư ở những nơi có khả năng sinh lợi cao, ổn định và ít rủi ro, và một thực tế là dòng tiền của người dân không bao giờ ngừng chuyển dịch.

Để tránh tình trạng các quan chức tham những tìm cách rửa tiền thông qua các hình thức đầu tư ra nước ngoài hoặc tìm chỗ để "hạ cánh an toàn" sau khi đã phạm tội ở Việt Nam thì cần phải hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn tình trạng này.

Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều hạn chế; mặt khác, do Việt kiều sinh sống ở Mỹ rất nhiều trong khi người thân của họ vẫn còn ở Việt Nam dẫn đến việc kiều hối hoặc chuyển ngoại tệ không qua Ngân hàng diễn ra phổ biến vì cách thức này an toàn, nhanh gọn, chi phí thấp nên được người dân lựa chọn.

"Về dài hạn, muốn ngăn chặn tình trạng này thì Việt Nam phải hoàn thiện pháp luật để bảo đảm quyền tự do kinh doanh, chính trị ổn định; có các biện pháp bảo đảm cho người dân đầu tư, kinh doanh ngay tại Việt Nam mà không sợ gặp rủi ro thì mới huy động được nguồn lực để phát triển đất nước. Nếu không hoàn thiện hệ thống tư pháp, đặc biệt là hệ thống Tòa án và hoàn thiện pháp luật, để mỗi vụ án kinh doanh thương mại kéo dài hàng chục năm thì không ai còn có đủ niềm tin để đầu tư ngay tại quê hương mình.

Thực tế hiện nay, các Doanh nghiệp và người dân rất sợ rủi ro, sợ bị lừa nhưng pháp luật bảo vệ họ chưa hiệu quả, tố tụng phức tạp và dễ bị lợi dụng khiến cho các nhà đầu tư coi việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án là nỗi kinh hoàng, là "ác mộng" thì chắc chắn việc chảy máu ngoại tệ sẽ khó ngăn chặn được" - TS. Luật sư Thiệp nêu quan điểm.

Tin nổi bật