Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

3 lớp lợi ích ở chiến trường Syria quyết định tới vận mệnh chính trị của Assad

(DS&PL) -

Có 3 lớp lợi ích đan xen trong cuộc chiến tại Syria sẽ quyết định trực tiếp tới vận mệnh chính trị của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Có 3 lớp lợi ích đan xen trong cuộc chiến tại Syria sẽ quyết định trực tiếp tới vận mệnh chính trị của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Cuộc tấn công thảm khốc bằng vũ khí hóa học ở Syria mà Mỹ cáo buộc có sự liên quan của chính quyền Bashar al-Assad, cùng với động thái phản ứng chớp nhoáng của Washington thông qua vụ phóng hàng chục tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria, được cho là những nhân tố khiến tất cả các bên liên quan tới cuộc chiến phải thay đổi chiến thuật.

Đó là một cuộc chiến phức tạp, với sự đan xen của lợi ích các bên được chia thành 3 lớp chính:

Lớp thứ nhất

Lớp thứ nhất bao gồm những lực lượng phiến quân được hình thành và hoạt động ở Syria. Từ cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011, tất cả các lực lượng này đều muốn loại bỏ chính quyền 17 năm tuổi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, ông Assad luôn cố gắng duy trì quyền lực và chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc, bất chấp những áp lực chính trị và quân sự ở cả trong và ngoài nước.

Sức mạnh của ông Assad đến từ sự hỗ trợ của Nga, Trung Quốc và Iran, cùng với đó là sự ủng hộ của phần lớn người Syria thế tục và những dòng tôn giáo thiểu số.

Các tay súng của phiến quân FSA tại Syria. (Ảnh: VOA)

Ban đầu, có 3 nhóm nổi dậy chính chống lại chính quyền Assad. Đầu tiên là liên minh Hồi giáo ôn hòa gồm nhóm người Syria theo đạo Hồi dòng Sunni, cũng chính là những người lập nên Quân đội Syria Tự do (FSA), nơi tập hợp những sĩ quan đã đảo ngũ từ quân đội Chính phủ Assad.

Thứ hai lực lượng người Kurd ở phía bắc Syria, những người đã thành lập nhóm phiến quân mang tên Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Họ nhận được sự ủng hộ rộng rãi, đặc biệt là từ phía Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, vì khả năng tấn công mạnh mẽ chống lại những phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Thứ ba là những nhóm chiến binh thánh chiến như al-Nusra Front, một nhánh độc lập tách ra từ al-Qaeda. Những nhóm chiến binh thánh chiến này đã dẫn đầu phe đối lập quân sự chống lại chính quyền Assad trong suốt 6 năm qua.

Khi IS xuất hiện vào năm 2014, tổ chức khủng bố này trở thành lực lượng quân sự và chính trị lớn tại Syria, mà các bên đều phải để mắt tới. Không giống như những nhóm nổi dậy khác, IS không chống lại chính quyền Assad. Thay vào đó, chúng tìm cách kiểm soát những vùng đất rộng lớn và tuyên bố hình thành một vương quốc Hồi giáo riêng, trở thành lực lượng cực đoan đe dọa an ninh của các quốc gia phương Tây.

Lớp thứ hai

Lớp lợi ích thứ hai trong xung đột Syria bao gồm những cường quốc trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Saudi Arabia.

Iran từ lâu là đồng minh của chính quyền Assad, do những lợi ích ràng buộc về tôn giáo, chính trị và kinh tế. Syria đóng vai trò là hành lang quan trọng giúp Iran gia tăng ảnh hưởng, gây áp lực với lực lượng Hezbollah. Đồng thời, Damascus cũng là cửa ngõ giúp Tehran tiếp cận với Địa Trung Hải. Tham vọng khu vực của Iran buộc chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani phải tiếp tục ủng hộ ông Assad.

Trong khi đó, lo lắng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực, Saudi Arabia và Qatar cũng bắt đầu hỗ trợ cho những phiến quân nổi dậy. Bên cạnh đó, từ năm 2014, Saudi Arabia cũng ủng hộ liên quân không kích IS do Mỹ dẫn đầu, vì lo ngại sự phổ biến và lan rộng những tư tưởng khủng bố cực đoan vào Vương quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ là nhân tố tích cực nhất tại khu vực, liên quan tới cuộc xung đột tại Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là "chống lưng" cho tất cả các nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni bằng cách cung cấp vũ khí, huấn luyện và hậu cần ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến.

Tuy nhiên, Ankara không tiếp tay cho lực lượng người Kurd YPG vì lo ngại họ thành lập một nhà nước ở phía đông nam quốc gia, khu vực giáp Iraq và Syria, gây ảnh hưởng tới vị trí của Tổng thống cũng như sự thống nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Xe tăng của lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm phiến quân Syria ủng hộ Ankara tại khu vực thị trấn Jarabulus của Syria. (Ảnh: AFP)

Ông Erdogan quyết định cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bước vào cuộc chiến Syria từ tháng 8 năm 2016 với chiến dịch “Tấm khiên Euphrates”. Dù muốn cùng tham gia vào chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào “thủ đô” của IS tại Raqqa nhưng ông Erdogan đã bị loại ra khỏi kế hoạch của Mỹ do nhiều lần khiến Washington phật lòng.

Lớp thứ ba

Lớp thứ ba trong xung đột Syria bao gồm Mỹ và Nga. Đây là hai cường quốc đóng vai trò địa chính trị chủ chốt tại Syria nhưng giữa hai bên lại có những xung đột lợi ích căn bản. Trong khi Nga muốn duy trì chính quyền Assad, Mỹ lại hướng tới mục tiêu lật đổ.

Cả Mỹ và Nga đều muốn xóa sổ IS nhưng Washington muốn lật đổ ông Assad, còn Moscow thì không. (Ảnh: Express)

Tổng thống Nga Vladimir Putin hẳn nhiên không hài lòng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ và phương Tây ở Trung Đông. Ông đã nhìn thấy cơ hội giúp Moscow tăng cường lợi ích chính trị và kinh tế từ xung đột Syria, nên đã đưa quân tới tham gia chiến dịch quân sự tại Syria như một lời thách thức về mặt địa chính trị với Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên, phía sau những lợi ích mà Moscow đạt được từ Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, đó chính là nỗi lo ngại rằng, một khi chính quyền Assad sụp đổ dưới tay IS, những nhóm Hồi giáo cực đoan có thể tràn qua biên giới các nước, đe dọa tới an ninh nước Nga.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ thường chọn tránh xa dính líu trực tiếp tới xung đột ở Syria. Khi còn đang bận rộn tìm lối thoát cho vấn đề Iraq, ông Obama khi đó đã bỏ lỡ cơ hội ngoại giao, trong những tháng đầu tiên khi xung đột Syria mới bắt đầu. Khi bạo lực nổ ra, cựu Tổng thống Mỹ mới quyết định cung cấp quân sự một cách hạn chế cho các nhóm phiến quân như YPG và FSA với hy vọng họ có đủ khả năng khiến ông Assad bước xuống khỏi vị trí quyền lực.

Ông Obama đã thừa nhận sai lầm trong chiến lược khi để “Mỹ bị hất cẳng khỏi Syria” bởi một Putin cứng rắn. Sự hỗ trợ của Nga đã giúp chính quyền Assad giành được thế chủ động tại chiến trường Syria khi giành lại được Aleppo vào tháng 12/2016.

Vì vậy, vào thời điểm quan trọng khi đang trên đà giành ưu thế, không có lý do gì khiến ông Assad cho tiến hành một cuộc tấn công hóa học. Nếu thực sự quân đội Damascus tiến hành một cuộc tấn công như vậy, chính phủ Syria sẽ không giành lại được gì và thậm chí sẽ mất tất cả. Chính quyền Tổng thống Assad cùng điện Kremlin đều lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Nhà Trắng cho rằng, Syria có liên quan tới vụ tấn công bằng khí độc nói trên.

Để phản ứng với vụ tấn công hóa học, ông Trump cho phóng tên lửa vào Syria như một lời cảnh báo không chỉ với ông Assad và Nga, mà với tất cả các bên liên quan trong chiến sự tại Syria.

Dù Nga và Iran đều đáp trả cứng rắn nhưng vụ tấn công tên lửa vẫn mở ra cơ hội lớn giúp Mỹ tấn công thành trì của IS tại Raqqa. Mỹ có ý định sử dụng không gian này để loại bỏ IS và lật đổ chính quyền Assad.

Số phận ông Assad đang phụ thuộc phần nhiều vào ý chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Express)

Tuy nhiên, điều đó sẽ không sớm xảy ra. Những cường quốc phương Tây đang đầy mâu thuẫn – họ muốn Assad ra đi, nhưng không thể tìm kiếm được một nhân vật thay thế. Hơn nữa, với lời hứa bảo vệ những nhóm tôn giáo thiểu số và những người Syria thế tục, ông Assad vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ.

Bản chất bốc đồng của ông Trump là điểm yếu lớn nhất của Mỹ trong hoạt động ngoại giao nhưng bù lại, điều đó mang lại sức mạnh cho Washington trong những cuộc chiến như Syria.

Sự bốc đồng của ông Trump, cùng với sự cảnh giác, thận trọng về mặt quân sự của Lầu Năm Góc, giúp cho Mỹ giành được ưu thế tối đa trong khu vực và gây hoang mang cho chính quyền Assad cùng đồng minh Iran và Nga. Bộ ba liên minh này sẽ phải hành động cẩn trọng hơn, bởi biết rằng từ nay ông Trump sẽ không hề do dự nếu tấn công các mục tiêu của chính quyền Assad, một việc mà chính quyền Obama chưa từng làm.

Ông Trump đang nếm trải những ngày đầu làm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Dường như ông chủ Nhà Trắng sẽ tiếp tục đưa ra những bước đi quân sự cứng rắn và yêu cầu ông Assad phải từ chức.

Tương lai của ông Assad giờ đây đang phụ thuộc vào sự “gan lỳ” của Tổng thống Putin và khả năng chịu những áp lực từ Lầu Năm Góc.

Ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục sử dụng “lá bài” Assad để chuyển hướng chú ý của dư luận đi xa khỏi những cáo buộc cho rằng, chiến dịch tranh cử của ông liên quan tới Nga. Qua đó, Tổng thống Trump cũng đang chứng minh bản thân không có sự ưu ái đặc biệt nào với Moscow.

Theo chuyên gian phân tích, đặt cược hết vào Assad, ông Putin có thể sẽ sử dụng nhà lãnh đạo Syria như một phương tiện mặc cả, ép ông Trump chấp nhận một vị trí cho ông Assad trong chính quyền Syria thời kỳ hậu IS, ít nhất là ở phía tây đất nước này. Điều đó có thể cứu ông Assad, nhưng cái giá phải trả là Syria sẽ bị chia tách.

Những người Kurd khi đó được coi như lực lượng thắng lợi nhất, khi có một khu vực tự trị ở miền bắc Syria, sau khi giúp đỡ chiến dịch của Mỹ tại Raqqa. Trong khi đó, những nhóm nổi dậy người Hồi giáo Sunni sẽ hứng chịu những mất mát nặng nề. Họ phải tranh đấu để giành kiểm soát ở những khu vực xa xôi còn lại, còn Syria có khuynh hướng trở thành một Iraq khác và là nơi sản sinh cho chủ nghĩa cực đoan, đe dọa sự ổn định trên toàn thế giới.

Danh Tuyên

Tin nổi bật