Ngoại trưởng của các nước thành viên thuộc Nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại Italy đã không đồng thuận áp đặt lệnh trừng phạt mới vào Nga vì ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo Reuters, phát biểu sau cuộc họp Ngoại trưởng các nước G7 ngày 11/4, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Marc Ayrault cho hay, cuộc họp Ngoại trưởng các nước G7 tại Lucca đã quyết định không áp dụng biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga và Syria.
Ngoại trưởng các nước G7 chụp ảnh lưu niệm tại Lucca, Italia ngày 10/4 (Ảnh: Reuters). |
“Tất cả các nước G7 đều thống nhất, Tổng thống Syria Bashar al - Assad sẽ không thể là một phần tương lai của đất nước này. Nhưng để giải quyết vấn đề Syria, lệnh trừng phạt không phải là giải pháp tối ưu. Chúng ta cần thống nhất để hướng đến một lệnh ngừng bắn dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế”, ông Jean-Marc Ayrault nói.
Các Ngoại trưởng G7 chỉ nhất trí rằng cần phải điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hoá học ngày 4/4 tại Syria, trước khi có thể thông qua các biện pháp mới.
Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nhấn mạnh: "Dù có những khác biệt trong việc sử dụng các "công cụ" chính sách đối ngoại, trong đó có biện pháp hạn chế và biện pháp trừng phạt với các quốc gia khác nhưng mục tiêu của G7 là thuyết phục Nga quay trở lại con đường tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Mỹ sẵn sàng thực hiện hành động cứng rắn hơn với Nga vì hậu thuẫn chính quyền Assad.
Còn Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng, “cần thay đổi cuộc chơi” tại Syria, ông dự định áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn chống lại Nga nếu nước này không chấm dứt việc hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad và rút quân khỏi Syria.
Cây bút Crispian Balmer của Reuters đưa ra bình luận, dường như có “sóng ngầm” chia rẽ các thành viên trong nhóm G7 khi họ không thống nhất được quan điểm áp đặt lệnh trừng phạt Nga.
Bên cạnh đó, dù ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump khi phóng 59 quả tên lửa tới Syria, nhưng các nước trong G7 cũng quan ngại động thái gần đây của ông chủ Nhà Trắng có thể làm rạn nứt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương 70 năm qua.
Những lời chỉ trích của ông Trump về NATO, việc ông bác bỏ các chính sách về biến đổi khí hậu, những chính sách nhập cư cứng rắn của Mỹ đã khiến các thành viên G7 lo lắng.
Theo Press TV, cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng G7 diễn ra ngày 10/4 cũng không đạt được tuyên bố chung, đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp hôm thứ Hai (ngày 10/4), Bộ trưởng Phát triển kinh tế Italia Carlo Calenda thừa nhận, Mỹ “vẫn kiên định lập trường của họ” đối với các cam kết được đưa ra theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Bộ trưởng Phát triển kinh tế Italia Carlo Calenda thừa nhận thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu tại hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này (Ảnh: Press TV). |
Hồi tháng Ba, Nhà Trắng cho hay, trước cuộc họp G7 vào tháng Tư, Mỹ sẽ công bố quyết định rút khỏi Hiệp định Paris. Nhưng theo truyền thông Mỹ, đã có những bất đồng sâu sắc giữa các thành viên trong Nội các Mỹ, khiến quyết định này chưa được công bố trước cuộc họp Ngoại trưởng G7.
Trong một diễn biến liên quan, cuộc khảo sát được tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu khảo sát TNS Global công bố ngày 11/4 cho thấy, hầu hết công dân các nước châu Âu cho rằng, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua có một tác động tiêu cực đối với an ninh toàn cầu.
Có tới 72% người Đức tin rằng chiến thắng của ông Trump đe dọa sự ổn định toàn cầu. 64% người Pháp, 55% người Anh và 52% người Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng khi lên nắm quyền, ông Trump sẽ khiến an ninh toàn cầu bất ổn.
Chỉ có 6% người Pháp, 8% người Đức, 11% người Thổ Nhĩ Kỳ, Anh lạc quan chiến thắng của ông Trump ảnh hưởng tích cực đến sự ổn định toàn cầu. Tại Mỹ, tỷ lệ này chiếm 28%.
Phương Anh