Đóng

3 loại cà phê giúp bạn bảo vệ tim mạch, phòng ngừa đột quỵ

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Cà phê không chỉ đánh thức trí óc mà còn là người bạn diệu kỳ của trái tim, giúp kéo dài tuổi thọ và phòng ngừa hiệu quả các bệnh về tim mạch, đột quỵ.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng cà phê không chỉ là một thức uống phổ biến mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc kéo dài tuổi thọ. Chẳng hạn, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The European Journal of Preventive Cardiology đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ cà phê hàng ngày có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Không chỉ vậy, việc uống cà phê còn giúp giảm nguy cơ tử vong sớm do nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

3 loại cà phê giúp nâng cao tuổi thọ

Theo Thời báo Văn học nghệ thuật, nghiên cứu mới đây cho thấy rằng 3 loại cà phê có thể mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể, giúp kéo dài tuổi thọ. Theo lời Peter Kistler, trưởng khoa nghiên cứu điện sinh lý tim tại Viện Tim và Tiểu đường Baker ở Úc, các loại cà phê bao gồm cà phê rang xay chứa caffeine, cà phê hòa tan cũng chứa caffeine và cà phê không chứa caffeine đều có tiềm năng tích cực cho sức khỏe.

Ông Kistler cho biết: "Tiêu thụ đều đặn 3 loại cà phê này với mức độ vừa phải có thể được xem như một phần trong lối sống lành mạnh." Thực tế, nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ gần 450.000 người trưởng thành tham gia Ngân hàng Sinh học Vương Quốc Anh, tất cả đều khỏe mạnh và không mắc bệnh tim mạch khi bắt đầu nghiên cứu.

Người tham gia được phân thành 4 nhóm: những người uống cà phê rang xay chứa caffeine, những người uống cà phê không chứa caffeine, những người uống cà phê hòa tan có caffeine và những người không uống cà phê. Sau 12,5 năm theo dõi, kết quả cho thấy những người tiêu thụ các loại cà phê nêu trên có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn hẳn so với nhóm không uống cà phê.

Cụ thể, những người uống cà phê rang xay có chứa caffeine có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 27%, trong khi người uống cà phê không chứa caffeine và cà phê hòa tan chứa caffeine có nguy cơ thấp hơn lần lượt là 14% và 11%. Lượng cà phê lý tưởng để đạt được hiệu quả tốt nhất được khuyến nghị là từ 2 đến 3 tách mỗi ngày.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 3 nhóm người uống cà phê có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ thấp hơn so với những người không tiêu thụ cà phê, với tỷ lệ giảm lần lượt là 20%, 6% và 9%. Việc bổ sung cà phê vào thói quen hàng ngày một cách hợp lý có thể là một bước đi thông minh cho sức khỏe tim mạch.

Những người nên hạn chế uống cà phê

Mắc hội chứng ruột kích thích

 

Người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) thường khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn, nôn, tiểu nhiều và mót tiểu. Caffeine có thể làm tăng nhu động ruột, bao gồm tăng nguy cơ tiêu chảy - triệu chứng chính của hội chứng này. Người bệnh nên hạn chế hoặc tránh đồ uống có chứa caffeine.

Bị bệnh tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp là hiện tượng áp lực cao hơn mức bình thường do không thoát được thủy dịch. Đối với mắt thông thường, thủy dịch tạo ra bằng với lượng dịch thoát ra. Caffeine dễ gây tăng áp lực trong mắt, dẫn đến tăng nhãn áp. Người bệnh tăng nhãn áp nên hạn chế tiêu thụ các nguồn caffeine như cà phê, trà, nước ngọt có cồn, năng lượng.

Bàng quang tăng hoạt

Bàng quang hoạt động quá mức khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên và khẩn cấp, ngay cả khi bàng quang không đầy. Bệnh dẫn đến tiểu không tự chủ. Caffeine có thể làm thay đổi hoạt động của bàng quang, ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu và cả lượng nước tiểu.

Người bệnh tim

Sau khi tiêu thụ, caffeine đi vào máu, dạ dày, ruột non và bắt đầu kích thích hệ thống thần kinh trung ương, cụ thể là các thụ thể thuộc các tế bào trong tim để tăng nhịp tim. Nhịp tim tăng có thể diễn ra ngay sau khi uống cà phê khoảng 20 phút và cơ thể mất khoảng 6 giờ để đào thải chất này ra ngoài.

Người gặp các vấn đề về tim như đau thắt ngực hoặc rối loạn nhịp tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị về liều lượng tiêu thụ caffeine phù hợp. Caffeine có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Người uống cà phê xong, nhịp tim nhanh hơn bình thường, nôn nao, khó chịu, nên dành thời gian nghỉ ngơi, hít thở sâu. Sau một thời gian cơ thể quen dần. Người có tiền sử huyết áp cao nên hỏi ý kiến của bác sĩ có cần giảm hoặc loại bỏ lượng caffeine hay không.

Thai phụ

Lượng khuyến nghị caffeine cho phụ nữ mang thai hoặc đang có kế hoạch sinh con khoảng 200 mg hoặc ít hơn. Tùy thuộc vào loại cà phê và phương pháp pha chế, lượng này tương đương với khoảng 1-2 cốc (240-580 ml). Thai phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi uống cà phê.

Rối loạn giấc ngủ

Uống cà phê gần giờ đi ngủ có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ, khiến khó ngủ sâu và chất lượng. Thông thường nên tránh tiêu thụ caffeine tối thiểu 6 giờ trước khi đi ngủ.

Dễ bị hoảng loạn

Caffeine góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng ở một số người. Nếu bạn thường xuyên trải qua các cơn hoảng loạn, cần cân nhắc tránh hoặc giảm tiêu thụ lượng chất này.

Trẻ em dưới 12 tuổi

Trẻ em sử dụng nhiều caffeine có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng. Uống cà phê có thể làm giảm cảm giác đói, khiến trẻ không nhận được dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Cuối cùng đồ uống này có tính axit khá cao, dễ làm hỏng men răng, tăng nguy cơ sâu răng.

Mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Cà phê có chứa một hợp chất là axit chlorogenic, gây kích ứng niêm mạc dạ dày, nhất là khi dạ dày trống rỗng. Với người bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), sự kích thích này có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng ợ chua, ợ hơi, đau bụng, buồn nôn và nôn, theo Vnexpress.

Tin nổi bật