Bức tranh đa sắc
Theo tin tức trên Kinh tế Sài Gòn, tổng lợi nhuận trước thuế theo báo cáo tài chính năm 2024 của 27 ngân hàng niêm yết là 299.379 tỷ đồng, tăng gần 44.054 tỷ đồng, tương đương tăng 17%. Dù vẫn đối mặt với thách thức nợ xấu gia tăng và xu hướng lãi suất đầu vào đi lên trở lại trong nửa cuối năm 2024, có thể thấy ngành ngân hàng vẫn là một trong số ít ngành giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định.
Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận phục hồi, theo nhóm phân tích, đến từ sự cải thiện đồng thời của cả thu nhập lãi thuần và các nguồn thu nhập phi tín dụng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng chậm.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, tổng thu nhập lãi thuần 27 ngân hàng niêm yết đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2023. Thu nhập lãi thuần được hỗ trợ từ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2024, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Nhiều ngân hàng tư nhân duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao như HDBank, MB và VPBank.
Các nguồn thu nhập phi tín dụng của ngành ngân hàng đã ghi nhận khởi sắc trong năm 2024, với mức tăng trưởng 9% so với năm 2023. Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ dù giảm nhẹ, song mảng vàng – ngoại hối và chứng khoán đầu tư lại có sự khởi sắc.
Nới rộng khoảng cách
Ngoại trừ một ngân hàng báo lỗ do đang trong lộ trình tái cơ cấu, 26 ngân hàng còn lại đều có lợi nhuận trước thuế dương, trong đó một số ngân hàng tăng trưởng lãi trước thuế rất mạnh như Bản Việt tăng hơn 4,4 lần lên 390 tỉ đồng; VPBank tăng 82% lên gần 20.013 tỉ đồng; KienLongBank tăng 55% lên 1.112 tỉ đồng; Eximbank tăng 54% lên 4.188 tỉ đồng; VietBank tăng 39% lên 1.131 tỉ đồng; NamA Bank tăng 38% lên 4.545 tỉ đồng...
Nếu xét theo mức tuyệt đối, Vietcombank vẫn giữ ngôi vị quán quân lợi nhuận ở mức 42.236 tỉ đồng, dù chỉ tăng trưởng nhẹ 2% so với năm 2023. Hai ngân hàng xếp vị trí tiếp theo cũng thuộc nhóm Big 4 là VietinBank đạt 31.578 tỉ đồng, tăng 27%; BIDV đạt 31.383 tỉ đồng, tăng 14%. Xếp vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là MBBank lãi 28.829 tỉ đồng và Techcombank lãi 27.583 tỉ đồng, tăng tương ứng 10% và 20% so với năm 2023. Đây cũng là hai ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Một xu hướng thể hiện rõ là lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng đang tiếp tục phân hóa mạnh, với mức chênh lệch lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng ngày càng mở rộng. Thống kê cho thấy có bảy ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế từ 20.000 tỉ đồng trở lên, bốn ngân hàng lãi từ 10.000 tỉ đồng đến dưới 20.000 tỉ đồng và 15 ngân hàng có lợi nhuận dưới 10.000 tỉ đồng - gồm bốn ngân hàng lãi trên 5.000 tỉ đồng và 11 ngân hàng còn lại lãi dưới mốc 5.000 tỉ đồng.
Trong đó, một số ngân hàng có lợi nhuận còn khiêm tốn như ABBank lãi trước thuế 794 tỉ đồng, tăng 36% so với năm 2023; PGBank lãi 420 tỉ đồng, tăng 18%; Bản Việt lãi 390 tỉ đồng; và đáng chú ý là SaigonBank lãi 99 tỉ đồng, giảm mạnh 70% so với năm 2023. Có thể thấy chênh lệch lợi nhuận trước thuế giữa nhóm lãi cao và lãi thấp, giữa ngân hàng có lợi nhuận cao nhất là Vietcombank và ngân hàng lãi thấp nhất là SaigonBank, đều rất lớn. Với mức trung vị ở chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của 26 ngân hàng có lãi là quanh 7.250 tỉ đồng, nhóm bảy ngân hàng lãi trên 20.000 tỉ đồng đang cách rất xa mức trung vị này.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS) cho biết thêm trên Nhịp sống thị trường, trong năm 2025, lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể tăng trưởng từ 18%-25% nhờ hưởng lợi từ các yếu tố xây dựng hạ tầng, bất động sản và tiêu dùng cá nhân.
Tương tự, VinaCapital dự báo, giá cổ phiếu ngân hàng năm 2025 tiếp tục tăng nhờ lợi nhuận tăng (từ 14% năm ngoái lên 17% năm nay), đặc biệt khi tăng trưởng GDP của Việt Nam chuyển dịch từ xuất khẩu, du lịch sang tiêu dùng, hạ tầng và bất động sản vào năm 2025. Ngoài ra, mức định giá hợp lý (hệ số P/B dự kiến năm 2025 ở mức 1,3 lần, với ROE dự báo 16%) cũng là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu.