Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2024/NĐ-CP bổ sung quy định “chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất và quy mô dân số lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Về nguyên nhân đưa ra đề xuất trên, HoREA cho biết việc sửa đổi nhằm tăng thêm tối đa 50% số lượng căn hộ nhà ở xã hội so với dự án nhà ở thương mại trên cùng quy mô diện tích đất dự án, để sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả để phát triển nhà ở xã hội.
Ảnh minh họa.
HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận “nhà trọ cho thuê dài hạn theo tháng, theo năm” cũng là một loại nhà ở xã hội, là “nhà ở riêng lẻ” do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho thuê, mà người thuê chủ yếu là công nhân, lao động, người nhập cư, để cho các chủ nhà trọ được hưởng chính sách “ưu đãi về tín dụng, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân”.
Theo HoREA, nếu công nhận “nhà trọ cho thuê dài hạn” cũng là “nhà ở xã hội” thì các “chủ nhà trọ” này sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về thuế như được “giảm 50% thuế suất thuế GTGT và thuế TNCN đối với nhà ở xã hội” thì “chủ nhà trọ cho thuê dài hạn” chỉ phải nộp thuế khoán/doanh thu là 3,5% và còn được vay tín dụng ưu đãi để xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà trọ phục vụ người thuê trọ.
Cũng tại văn bản kiến nghị, HoREA nhận định thị trường bất động sản năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang giai đoạn phục hồi, tăng trưởng trở lại theo xu thế tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước nhưng chưa thực sự vững chắc
“Thị trường nhà ở vẫn đang rất thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở và rất đáng quan ngại là kể từ năm 2020 đến nay, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm đa số trên thị trường, nhưng lại rất thiếu nhà ở thương mại giá vừa túi tiền (dưới 3 tỷ đồng/căn)”, HoREA nêu thực trạng.
Ngoài ra, HoREA nhận thấy thị trường bất động sản vẫn rất thiếu nhà ở xã hội dẫn đến giá nhà tăng liên tục và “neo giá” rất cao vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị ngày càng khó tạo lập nhà ở.