Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6. Trong đó, ngày 26/6, thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 27, 28/6, tổ chức coi thi; ngày 29/6 là lịch dự phòng.
Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8h ngày 17/7. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Dưới đây là các mốc thời gian quan trọng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cần chú ý:
- Chậm nhất 17h ngày 14/7, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các Hội đồng thi tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT, đối sánh kết quả thi.
- 8h ngày 17/7, các Hội đồng thi công bố kết quả thi.
- Chậm nhất ngày 19/7, các Sở GD&ĐT xét công nhận tốt nghiệp THPT.
- Chậm nhất ngày 21/7, các Sở GD&ĐT cập nhật vào hệ thống Quản lý thi, gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD&ĐT, công bố kết quả tốt nghiệp THPT.
- Chậm nhất ngày 23/7, Hiệu trưởng trường phổ thông cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả Học bạ và các loại Giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh. Các Hội đồng thi in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.
- Từ ngày 17/7 đến ngày 26/7, các đơn vị đăng ký dự thi thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo.
- Chậm nhất ngày 4/8, các Hội đồng thi tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có).
- Chậm nhất ngày 9/8, các Sở GD&ĐT xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.
- Chậm nhất ngày 15/8, các Sở GD&ĐT gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là giữ nguyên như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong Quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm trước. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn. Từ đó, từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018.