Khăn tắm quá cũ và cứng
Khăn tắm dùng quá lâu và giặt quá nhiều lần sẽ trở nên khô cứng và không còn đảm bảo vệ sinh, chứa nhiều vi khuẩn. Do đó, bạn nên thay loạt khăn tắm mới cũng như khăn mặt và các loại khăn lau khác dành cho cơ thể.
Gối cũ
Theo các chuyên gia, gối nên được thay sau 1 – 2 năm tùy vào tình trạng vệ sinh của từng gia đình. Những chiếc gối cũ là ổ bệnh vì có rất nhiều loại vi sinh vật như vi khuẩn hay nấm sinh sống tại đây. Chúng không chỉ làm hại da, tóc bạn mà còn giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến bạn dễ ốm đau.
Quần áo rét không dùng đến
Đa số các gia đình đều tích trữ nhiều đồ mùa đông như áo len, áo khoác hay các loại khăn, mũ. Tuy không dùng đến nhưng các gia đình vẫn không bỏ đi vì các món đồ còn tốt và được mua với giá cao.
Trên thực tế, nếu đã hơn 2 năm bạn không sử dụng tới thì khả năng mặc lại sau này rất thấp vì hiện nay hầu hết các gia đình đều mua đồ mới mỗi năm. Khi dọn nhà đón Tết, bạn nên cân nhắc loại bỏ bớt. Để tránh lãng phí, bạn có thể tặng lại những món đồ còn mới và vẫn dùng được cho người khác.
Thực phẩm hết hạn
Dọn nhà đón Tết là cơ hội để mọi người kiểm tra lại từng loại thực phẩm và gia vị trong nhà, vứt bỏ những thứ hết hạn. Bạn cần chú ý cả nước mắm, nước tương, tương ót, tương cà, sốt trộn salad, gói mỳ ống, gói miến… Ngoài ra, đừng quên lục lại ngăn đá tủ lạnh, có thể còn sót thịt cá hoặc các đồ ăn nấu chín hay sơ chế sẵn như nem rán, giò chả.
Thuốc hết hạn
Tủ thuốc gia đình cũng là nơi bạn cần sắp xếp lại khi dọn nhà đón Tết. Hãy cẩn thận kiểm tra hạn sử dụng của thuốc, vứt đi những loại thuốc đã quá hạn. Bạn cũng nên vứt bỏ những vỉ thuốc, hộp thuốc không bảo quản tốt (rách vỉ, hở nắp…) ngay cả khi thuốc còn hạn sử dụng.
Các loại hộp, chai lọ
Nhiều người tiếc những chiếc hộp, chai lọ xinh xắn và đẹp mắt nên giữ lại để đựng đồ hoặc cắm hoa. Ngày qua ngày, số lượng chai lọ và các loại hộp nhiều lên nhưng chẳng mấy khi được dùng đến, khiến nhà bạn bừa bộn không khác nào kho đồng nát.
Nhân dịp dọn nhà đón Tết, bạn nên phân loại và thẳng thay bỏ bớt. Ngoài ra, bạn cũng đừng tích trữ các loại hộp đựng thực phẩm, nếu thấy quá nhiều, quá cũ và lâu không dùng đến thì nên vứt đi.
Đồ bếp bị gỉ sét
Đồ dùng bằng sắt xuất hiện khá nhiều trong căn bếp của các gia đình. Những dụng cụ như dao, thìa có thể bị gỉ sét do quá trình oxy hóa hoặc được làm sạch sai cách. Thức ăn dính gỉ sét từ các vật dụng này khi nạp vào cơ thể sẽ không tốt cho sức khỏe.
Tốt nhất, bạn nên vứt bỏ các đồ dùng nhà bếp bị gỉ sét, bên cạnh đó hạn chế sử dụng đồ bằng sắt khi nấu nướng. Bạn có thể thay thế bằng các dụng cụ inox, gang chống gỉ.
Miếng rửa chén cũ
Nghiên cứu đã chỉ ra miếng rửa chén là đồ vật chứa nhiều vi khuẩn độc hại nhất trong các gia đình. Một số chuyên gia khuyên nên sấy miếng rửa chén trong lò vi sóng để diệt khuẩn, thậm chí nên vứt bỏ hẳn món đồ này sau một thời gian sử dụng.
Đồ dùng gỗ bị mốc
Các loại đồ dùng bằng gỗ trong bếp như đũa, thớt rất dễ trở thành ổ vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Thói quen vệ sinh sai cách hoặc không khí ẩm rất dễn khiến chúng bị mốc, nếu tiếp tục sử dụng thì sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập vào cơ thể, gây hại cho sức khỏe. Do đó, nếu thấy các đồ dùng bằng gỗ có dấu hiệu mốc hỏng thì bạn nên thay mới ngay.
Chảo hết lớp chống dính
Sau một thời gian dài sử dụng, những chiếc chảo thường bị bong lớp chống dính. Việc dùng chảo hết lớp chống dính không chỉ gây khó khăn cho việc nấu nướng mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Một số chất độc hại có thể được sản sinh khi chảo tiếp xúc với nhiệt độ cao, sau đó bám dính vào thức ăn rồi xâm nhập vào cơ thể. Nhân dịp dọn dẹp cuối năm, bạn nên mạnh tay chi tiền mua ngay một chiếc chảo mới để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Đinh Kim (T/h)