Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

10 cách bảo vệ tài khoản ngân hàng online

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Người dùng cần bảo mật tuyệt đối thông tin tài khoản ngân hàng, bao gồm: số thẻ, số tài khoản, tên đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử và cả các thông tin cá nhân.

Tài khoản ngân hàng đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của mọi người. Nhiều tổ chức và cá nhân tin tưởng lựa chọn ngân hàng để gửi gắm tài sản. Do đó, nhiều người quyết định lưu trữ phần lớn tài sản của mình trong các tài khoản ngân hàng. Ngoài việc tích trữ tài sản, tài khoản ngân hàng online còn là phương tiện thanh toán và nhận tiền nhanh chóng. Hiện nay, trung bình mỗi người dân Việt Nam sở hữu ít nhất từ 1 đến 2 tài khoản ngân hàng đang hoạt động.

Giao dịch qua Internet banking mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Chỉ cần thực hiện vài thao tác trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến, bạn có thể chuyển tiền, mua vé xem phim, vé tàu xe, thanh toán hóa đơn điện nước,... Do đó, các đối tượng lừa đảo cũng nhắm đến điều này để thực hiện hành vi phạm pháp.

Cần bảo mật tài khoản ngân hàng để tránh bị lừa

Dưới đây là những cách bảo vệ tài khoản ngân hàng mà người tiêu dùng cần biết để đảm bảo giao dịch trực tuyến an toàn:

1. Không đọc mã bảo mật ngân hàng cho bất kì ai

Mã bảo mật ngân hàng bao gồm: mã đăng nhập ứng dụng, mã OTP khi thực hiện các giao dịch, mật mã thẻ ATM, mã CCV/CVV ở phía sau thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Đây đều là những thông tin quan trọng cần được bảo vệ ở mức cao nhất. Bạn tuyệt đối không được chia sẻ những thông tin này với bất kỳ ai, kể cả người thân.

2. Giữ bí mật tuyệt đối thông tin cá nhân

Người dùng cần bảo mật tuyệt đối thông tin tài khoản ngân hàng, bao gồm: số thẻ, số tài khoản, tên đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử và cả các thông tin cá nhân như: họ tên, địa chỉ, ngày sinh, số CMND. Những thông tin này thường bị khai thác qua các chiêu trò như thông báo trúng thưởng, tặng quà hoặc dò hỏi từ người thân. Vì vậy, không cung cấp thông tin trừ khi đã xác minh với ngân hàng qua tổng đài hỗ trợ.

3. Khóa thẻ thanh toán online khi không dùng

Hiện nay, tất cả các ứng dụng Mobile Banking và Internet Banking đều hỗ trợ tính năng khóa thẻ trực tuyến. Nếu bạn không thực hiện giao dịch, nên khóa thẻ của mình để ngăn chặn kẻ trộm gây thiệt hại đến tài khoản ngân hàng của bạn.

4. Thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng online

Bạn nên thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng và chọn những mật khẩu khó, chứa nhiều ký tự đặc biệt để bảo vệ tài khoản khỏi hacker. Chọn mật khẩu mạnh và độc đáo là một cách bảo vệ tài khoản ngân hàng đơn giản nhưng hiệu quả.

5. Bảo mật điện thoại di động

Để tăng cường bảo mật cho điện thoại, hãy sử dụng tất cả các phương thức bảo mật hiện có như mã pin, nhận diện khuôn mặt, vẽ hình hoặc dấu vân tay. Điều này sẽ khiến kẻ trộm khó có thể xâm nhập vào thiết bị của bạn nếu bị mất. Không để hiển thị thông báo mã OTP trên màn hình khóa để tránh lộ thông tin cho kẻ gian.

Ngoài ra, bạn nên thường xuyên cập nhật phần mềm cho máy tính và thiết bị di động để bảo vệ chúng khỏi các lỗ hổng an ninh và phần mềm độc hại mới nhất.

Không xem mail lạ để tránh bị lừa đảo

6. Sử dụng các hình thức xác thực bằng OTP

Khi giao dịch online trên website ngân hàng, bạn thường cần đến một mật khẩu OTP (One Time Password). Khi đăng nhập tài khoản, bạn sẽ nhận được một tin nhắn chứa mật mã. Nếu phát hiện bản thân không thực hiện truy vấn này, bạn có thể chặn ngay lập tức.

Chính vì sự hữu ích của OTP, nhiều khách hàng đã chọn sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của những ngân hàng hỗ trợ OTP hoặc các giải pháp tương tự. Giải pháp bảo mật càng phức tạp sẽ có độ an toàn càng cao.

7. Không mở email đáng ngờ

Một số kẻ xấu thường gửi email lừa đảo, giả danh ngân hàng mà bạn đang sử dụng dịch vụ, với mục đích dụ bạn nhập thông tin đăng nhập vào trang ngân hàng giả. Đừng bao giờ nhấp vào các liên kết trong email dẫn đến trang web của ngân hàng, ngay cả khi chúng có vẻ hợp pháp. Việc tạo ra một website giả mạo với giao diện giống hệt trang web của ngân hàng hay giả tên miền để trông giống trang chính thức không quá phức tạp. Ví dụ, www.techcombank.com.vn là đường link đúng, chính chủ, trong khi kẻ tấn công có thể sử dụng tên miền www.techcobank.com.vn để lừa đảo.

Thực tế, nhiều hacker đã sử dụng phương pháp này để đánh cắp thông tin đăng nhập của người dùng. Khi bạn truy cập vào website giả mạo và vô tình nhập username/password, thông tin đăng nhập sẽ bị mất ngay lập tức. Ngoài email, tin tặc còn gửi tin nhắn lừa đảo qua SMS, Facebook Messenger và các phương tiện khác.

Để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của mình, bạn nên gõ địa chỉ web vào thanh URL hoặc dùng công cụ tìm kiếm để tìm trang web chính xác. Bạn cũng có thể đánh dấu (bookmark) trang web hợp pháp đó để sử dụng lại sau này.

8. Đăng kí SMS Banking 

Khi ngân hàng cung cấp tùy chọn nhận tin nhắn cảnh báo liên quan tới tài khoản, bạn nên đăng ký. Dịch vụ SMS Banking sẽ gửi tin nhắn thông báo mỗi khi tài khoản của bạn có thay đổi, chẳng hạn như thay đổi số tiền, thông tin chủ thẻ hoặc khi có giao dịch sắp diễn ra. Nếu bạn nhận được thông báo về các giao dịch mà mình không thực hiện, hãy liên lạc ngay với tổng đài ngân hàng để kịp thời xử lý.

SMS Banking giúp tăng độ bảo mật 

9. Kiểm soát quyền khi cài đặt ứng dụng điện thoại

Khi cài đặt ứng dụng trên điện thoại, hãy quản lý cẩn thận các quyền truy cập mà ứng dụng yêu cầu. Thông thường, các ứng dụng sẽ yêu cầu quyền truy cập vào các tính năng như vị trí, máy ảnh, microphone, danh bạ và dữ liệu cá nhân. Trước khi cấp quyền, hãy xem xét kỹ lưỡng liệu quyền truy cập này có phù hợp với mục đích sử dụng của ứng dụng hay không.

Hãy chú ý đến những ứng dụng yêu cầu quyền truy cập quá nhiều thông tin cá nhân hoặc các chức năng không cần thiết cho mục đích của chúng. Nếu không chắc chắn về tính an toàn của một ứng dụng, bạn có thể tìm kiếm đánh giá từ người dùng khác hoặc quyết định không cài đặt ứng dụng đó. Điều này giúp giảm nguy cơ bị theo dõi hoặc xâm phạm quyền riêng tư từ các ứng dụng không đáng tin cậy.

10. Không nhấp, truy cập vào các đường link lạ

Để tránh rủi ro bị theo dõi qua smartphone, hãy cẩn thận và tránh nhấp vào các đường liên kết không rõ nguồn gốc hoặc không quen thuộc. Các liên kết này có thể dẫn đến các trang web độc hại hoặc đính kèm mã độc, có khả năng xâm nhập vào thiết bị của bạn và đánh cắp thông tin cá nhân.

Để bảo vệ mình, hãy kiểm tra kỹ lưỡng trước khi nhấp vào bất kỳ liên kết nào, đặc biệt là từ các email hoặc tin nhắn không được xác minh. Sử dụng các biện pháp bảo mật như phần mềm chống virus hoặc trình duyệt web an toàn để ngăn chặn các trang web độc hại tải xuống hoặc hiển thị trên thiết bị của bạn. Đồng thời, luôn cập nhật phần mềm bảo mật để đảm bảo sự an toàn tốt nhất cho điện thoại của bạn.

Tin nổi bật