Cụ thể, theo ông Hiếu, hiện vẫn còn tình trạng thầy cô vào đầu giờ gọi học sinh trả bài, kiểm tra miệng theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt gây áp lực với các em. Nhiều học sinh trên đường đến trường, ăn sáng cũng lo cầm vở xem bài vì sợ... vào lớp bị gọi tên.
Người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM cho rằng, để học sinh hạnh phúc khi đến trường, thầy cô không thể kêu trả bài kiểu bất chợt như vậy. Khi thầy cô hỏi bất chợt thì những kiến thức đó không mang lại giá trị cho học sinh, chỉ làm các em áp lực, căng thẳng.
Trong khi, chất lượng giảng dạy chính là yếu tố quan trọng giúp cho trường học hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, tránh căng thẳng.
Về mặt kiến thức, theo ông Hiếu, hiện nay 35% nội dung chương trình giáo dục được đưa lên hình thức trực tuyến. Giáo viên có thể dễ dàng nắm được học sinh nào làm tốt, học sinh nào làm chưa tốt để nhắc nhở, hỗ trợ các em.
Hạnh phúc khi tới trường, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng phải bao gồm hai yếu tố là từ môi trường giáo dục và từ những mối quan hệ tốt đẹp.
Yêu cầu giáo viên "không hỏi bài cũ học sinh kiểu bất chợt". Ảnh minh họa
Thông nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ du luận. Theo báo Dân trí, nhiều người thể hiện việc ủng hộ và sự thích thú về yêu cầu này. Đặc biệt với những người từng có trải nghiệm về việc bị giáo viên "hù dọa" khi kiểm tra bài đầu giờ thì chỉ đạo trên càng ý nghĩa.
"Hồi xưa đi học, đầu giờ mà thầy cô mở sổ điểm ra dò bài cũ là "rén" liền. Gặp bữa chưa học bài thì mặt lấm la lấm lét, cúi gằm vào cuốn vở. Lâu lâu nhìn lên coi con nhạn nào bị gọi tên.
Thầy cô cũng tâm lý lắm, không gọi tên ngay mà rà lên rà xuống vài bận để tăng độ phiêu lưu, hồi hộp. Thấy qua tên mình là nhẹ nhõm, bất ngờ giáo viên quay lại gọi đúng tên phát là tái mặt. Đầu giờ dò bài cũ đúng là cực hình, tim muốn văng ra ngoài", anh Minh Giảng, một ông bố ở TP.HCM nhắc lại những ký ức học hành năm xưa.
Trao đổi trên báo VietNamnet về vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh thêm, hiện nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dựa trên quan điểm theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất.
Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Thực hiện mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời.
Việc “trả bài” như trước đây còn mang nặng tính tập trung về kiểm tra kiến thức, không phù hợp với quan điểm, mục tiêu và các chỉ đạo chung trong thời điểm hiện tại. Việc hình thành kiến thức không chỉ là ghi nhớ, thuộc lòng quan trọng là hình thành thông qua việc tham gia các hoạt động học tập để ghi khắc kiến thức và năng lực, phẩm chất cho học sinh
Qua các hoạt động học tập bài dạy, thầy cô và học sinh trải qua 4 hoạt động gồm: Hoạt động 1 xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/mở đầu; Hoạt động 2 hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ hoạt động trước; Hoạt động 3 luyện tập; Hoạt động 4 là vận dụng.
Vị lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM nói thêm, mỗi bài dạy có thể thực hiện trong nhiều tiết học, bảo đảm đủ thời gian dành cho mỗi hoạt động để học sinh thực hiện hiệu quả. Nhiệm vụ của thầy cô giúp cho học sinh luôn cảm thấy thích thú, hạnh phúc với việc học tập và mỗi sáng luôn háo hức đến trường.
Thủy Tiên (T/h)