Theo tạp chí Thương trường, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu thực hiện giải pháp giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau trong điều hành bay gửi các đơn vị: Tổng Công ty Quản lý bay (VATM), Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines.
Yêu cầu các hãng hàng không đổi số hiệu chuyến bay để tránh nhầm lẫn.
Theo thống kê của VATM, hiện nhiều chuyến bay có tên gọi, hô hiệu (callsign) gần giống nhau, hoạt động trong cùng thời gian, cùng vùng trời điều hành bay dễ gây nhầm lẫn. Cụ thể, số hiệu chuyến bay có tên hãng khác nhau nhưng phần số giống nhau, như HVN123 và BAV123, HVN171 và BAV171; hoặc cùng một hãng như có phần số đọc gần giống nhau như HVN7344 và HVN1344, HVN1351 và HVN1531...
Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, Cục Hàng không yêu cầu, các hãng hàng không rà soát kế hoạch và lịch bay, không để các chuyến bay có số hiệu tương tự, dễ nhầm lẫn hoạt động cùng thời gian, trong cùng vùng kiểm soát bay. Có biện pháp điều chỉnh, sửa tên gọi những chuyến bay có tên gọi gần giống nhau để giảm nguy cơ nhầm lẫn và nâng cao khả năng đảm bảo an toàn bay.
Với tổ bay, Cục Hàng không yêu cầu các hãng quán triệt phi công phải tập trung nghe, nhắc lại hoặc báo nhận đầy đủ, rõ ràng để đảm bảo thực hiện đúng nội dung huấn lệnh và chỉ dẫn liên quan, đặc biệt nhắc lại đầy đủ tên gọi thoại chuyến bay.
Khi nhận được thông báo của kiểm soát viên không lưu về việc có chuyến bay tên gọi gần giống nhau, tổ lái của chuyến bay cần xác nhận lại thông tin nhắc kiểm soát viên không lưu, canh nghe để phòng ngừa rủi ro nhầm lẫn; thực hiện thay đổi tạm thời tên gọi liên lạc thoại theo hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu (nếu có).
Ngoài ra, tổ bay đặc biệt lưu ý khi huấn lệnh không lưu có nội dung khác biệt đáng kể so với kế hoạch bay cần xác nhận lại với kiểm soát viên không lưu.
Cục Hàng không yêu cầu VATM tiếp tục phổ biến, hướng dẫn cho toàn bộ lực lượng kiểm soát viên không lưu về cách nhận biết các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau; phương thức thay đổi tạm thời tên gọi thoại của các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Kiểm soát viên không lưu được yêu cầu luôn sử dụng đầy đủ tên gọi chuyến bay, chú ý ngữ điệu, trọng âm để thể hiện sự khác biệt của tên gọi chuyến bay; sử dụng thuật ngữ đầy đủ, đúng tiêu chuẩn về phương thức liên lạc; thông báo cho tổ bay những chuyến bay có tên gọi gần giống nhau để tổ lái chủ động phòng ngừa rủi ro nhầm lẫn; thực hiện đúng hướng dẫn về việc cấp và nhắc lại huấn lệnh kiểm soát không lưu, tin tức liên quan đến an toàn điều hành bay.
Cục Hàng không cũng yêu cầu VATM quán triệt kiểm soát viên không lưu chú ý việc tổ lái báo cáo vị trí, độ cao/mực bay trong lần đầu thiết lập liên lạc với cơ sở điều hành bay, yêu cầu kíp trực trợ giúp kiểm soát viên không lưu điều hành nhận diện các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau trong khu vực trách nhiệm để thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Trước đó, tháng 2/2018, có trường hợp hành khách lên nhầm chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Singapore, thay vì hành trình từ TP.HCM đi Yangon (Myanmar).
Tháng 2/2020, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng xảy ra việc hy hữu khi khách đi Thọ Xuân (Thanh Hoá) nhưng lại lên nhầm máy bay đi Đà Nẵng.
Hành khách lên nhầm máy bay là Ngô Văn L., đi trên chuyến bay VN1274, chặng bay từ TP.HCM về Thanh Hoá, đã làm thủ tục lên máy bay nhầm chuyến bay VN120 (TP.HCM - Đà Nẵng), tạp chí Đầu tư tài chính đưa tin.
Vân Anh (T/h)