(ĐSPL) – Hôm nay, ngày nói dối 1/4, chắc hẳn nhiều người đang rơi vào tình huống dở khóc dở cười, hay cười hả hê sung sướng… Có thể bạn thắc mắc, ý nghĩa và lịch sử ngày Cá tháng Tư là như thế nào mà mọi người hưởng ứng nhiệt tình như vậy?
Bạn có biết, một ngày mà những lời nói thật cũng có thể bị cho là nói dối, ngày bạn được thoải mái trêu đùa những người thân yêu và thậm chí là cả những người lạ. Đó là một truyền thống kỳ lạ và hài hước được nhiều người hưởng ứng. Cùng khám phá những điều thú vị về lịch sử ngày Cá tháng Tư.
Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư
Không ai chắc chắn về nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư.
Theo các chuyên gia về truyền thuyết đô thị, hầu hết mọi người đều tin rằng ngày Cá tháng Tư xuất hiện từ những những năm 1500s, khi Giáo hoàng Gregory XIII đưa ra hệ thống tính ngày dương lịch hiện nay.
Nước Pháp được coi là quê hương của Ngày Cá tháng Tư. Vào năm 1562, Giáo hoàng Gregory XIII (1502 – 1585) đã quyết định chuyển dời ngày đầu tiên của năm mới từ ngày 1/4 sang ngày 1/1. Tuy nhiên, do phương tiện liên lạc thời đó còn lạc hậu, người ta truyền tin chủ yếu bằng cách chạy bộ nên nhiều người nhận được tin đổi lịch chậm mất vài năm. Những người khác tuy biết vẫn không chấp nhận lịch mới và tiếp tục đón năm mới vào ngày1/4. Trò ngoan cố này bị quy là "ngớ ngẩn" và trở thành trò cười cho thiên hạ. Những người khác khi biết được điều này đã lém lỉnh trêu đùa gọi ngày 1/4 năm đó là "ngày Nói dối". Cũng từ đó, cái tên "Cá tháng Tư" hay "ngày Nói dối" chính thức xuất hiện.
Cùng với thời gian, trò đùa vào ngày 1/4 trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18). Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng Tư trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều nước khác nhau. Người dân ở mỗi quốc gia tiếp nhận truyền thống này theo những cách riêng, "đóng dấu bản quyền" để trêu gia đình và bạn bè.
Ý nghĩa ngày Cá tháng Tư
Ngày Cá tháng Tư, còn gọi là Ngày nói dối, là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước. Ngày 1/4 là ngày được chú ý ở nhiều nước. Đây là ngày mà theo phong tục cũ, bạn bè thường hay bày trò đùa giỡn nhau.
Cá tháng Tư dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức nhưng vẫn được tổ chức tại nhiều quốc gia kỷ niệm hàng năm vào đúng ngày 1/4, bằng cách tung nhiều tin đồn hoặc nói xạo, nói đùa về rất nhiều chủ đề khác nhau nhằm tạo niềm vui hay trêu chọc ai đó. Những tin giả như thế thường được tung ra trong cả ngày 1/4 ở hầu hết các nước như Mỹ, Pháp, Ireland,... trong khi một số quốc gia khác nó phải được chấm dứt vào giữa trưa như Anh, Canada, Úc, New Zealand.
Các hoạt động trong ngày Cá tháng Tư
Những trò đùa của Ngày Cá tháng Tư có thể chỉ rất đơn giản như bạn chưa buộc dây giày kìa, chưa kéo khóa nhé…, nhưng cũng có khi gây ra hậu quả nghiêm trọng như vặn đồng hồ của bạn cùng phòng chậm tới một tiếng hay bố mẹ ở quê gọi điện báo ốm... Dù đùa kiểu gì, kẻ lừa gạt vẫn hoàn toàn vô tội bằng cách lý giải "Ngày Cá tháng Tư mà".
Các phương tiện truyền thông cũng không đứng ngoài cuộc vui một năm chỉ có một lần này. Trong ngày cả thế giới nói dối, truyền hình Anh từng chiếu một bộ phim ngắn và rất chi tiết về việc những người nông dân Anh thu hoạch vụ mùa Spaghetti.
Ngày Cá tháng Tư chỉ là một ngày vui. Chỉ là một ngày vui nho nhỏ, nhưng ai cũng cần “đề cao cảnh giác” kẻo lại trở thành “con cá ngớ ngẩn” của năm nay.
Một cuộc khảo sát nhỏ trên mạng Internet cho thấy số lượng người truy cập tìm hiểu về "trò đùa ngày Cá tháng Tư", "những chiêu dễ bị mắc lừa trong Ngày Cá tháng Tư" hoặc "Ngày Cá tháng Tư tại công sở" đã tăng vọt. Vì vậy, hãy nêu cao tinh thần cảnh giác vào ngày hôm nay nhé, vì rất có thể bạn sẽ trở thành "đối tượng trong tầm ngắm" của ai đó.
Quả thực, mọi lời trêu đùa đều có thể xảy ra trong ngày Cá tháng Tư, miễn sao những lời trêu đùa đó không gây hại cho người khác mà chỉ đem lại tiếng cười sảng khoái để làm vơi bớt những áp lực trong cuộc sống bộn bề khó khăn hiện nay.