(ĐSPL) - Tình hình căng thẳng ngoài biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lan lên cả môi trường mạng khi hacker 2 bên liên tục thực hiện những cuộc tấn công vào website của phía đối phương.
Trong thời gian gần đây, vụ việc giàn khoan HD-981 của Trung Quốc ngoài biển Đông đang là tâm điểm thu hút nhiều nhất sự quan tâm của người dân Việt Nam. Không chỉ xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, diễn đàn ... mà ngay cả trên lĩnh vực an ninh mạng, đây cũng đang là vấn đề nóng hổi.
Liên tiếp trong những ngày cuối tuần vừa qua, đã diễn ra hàng loạt các cuộc tấn công qua lại giữa hacker 2 nước Việt - Trung. Khởi điểm bắt đầu từ 9/5, theo thống kê đã có hàng chục website của các tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc bị tấn công bởi những hacker tự nhận là người Việt Nam.
Hacker Việt Nam tấn công website Trung Quốc. |
Theo chuyên gia an ninh mạng, chủ yếu các trang web Trung Quốc bị tấn công qua hình thức từ chối dịch vụ DDoS và đây đều là những mục tiêu nhỏ, chưa phải các website lớn hoặc địa chỉ trực tuyến của các tổ chức, cơ quan nhà nước. Thậm chí, ngày cả những website của Đài Loan cũng bị lôi kéo vào "cuộc chiến" trên mạng này
Gần như ngay lập tức, phía hacker Trung Quốc đã có hành động phản công, tính đến ngày 11/5 đã có tới hơn 100 website Việt Nam trở thành nạn nhân. Hầu hết các trang web đều bị hacker để lại lời nhắn bằng tiếng Trung, thậm chí đến thời điểm này (12/5), nhiều địa chỉ vẫn chưa được khôi phục lại như bình thường.
Trên các diễn đàn hacker Việt Nam, những vụ tấn công qua lại như trên cũng đang là chủ đề nóng, thường xuyên được cập nhật thông tin. Bên cạnh những "cái đầu nóng" cho rằng đây là hình thức đáp trả xứng đáng trên không gian mạng thì cũng có không ít ý kiến tỏ rõ quan điểm cần ngừng ngay các hành động tấn công như vậy.
Hacker Trung Quốc phản công. |
Một thành viên của diễn đàn hacker Việt cho biết, các vụ tấn công website Trung Quốc là hành động thiếu hiểu biết và đầy khiêu khích, bắt nguồn từ những vụ nhỏ như vậy rất có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh mạng thực sự, tới lúc đó hậu quả mà các bên phải trả sẽ rất lớn. Cần tỏ rõ lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực hơn thay vì phá hoại như vậy, thành viên này kêu gọi.
Cũng có quan điểm tương tự, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP.HCM, cho rằng, các hành động tấn công website qua lại giữa hacker Việt - Trung hoàn toàn có nguy cơ biến thành một cuộc chiến an ninh mạng thực sự. Điều này sẽ khiến phía Việt Nam bị thiệt hại nặng hơn, bởi từ những năm trước hacker Trung Quốc đã tấn công và cài phần mềm gián điệp vào trang mạng Việt, ông Thắng cảnh báo.
Chuyên gia an ninh mạng Bkav cũng lên tiếng cho rằng, các hành động quá khích của hacker Việt rất có thể khiến chiến tranh mạng Việt - Trung xảy ra, gây thiệt hại lớn cho cả 2 bên. Đối với phía Việt Nam, tình trạng không quan tâm tới vấn đề bảo mật của các website là rất phổ biến, ngay cả đối với những địa chỉ của cơ quan, tổ chức nhà nước, chính vì vậy nếu bị tấn công, những trang web này rất dễ bị hacker Trung Quốc chiếm được quyền kiểm soát.
Đồng thời phía Bkav cũng khuyến cáo những website đã bị hacker Trung quốc tấn công cần liên hệ với các đơn vị chuyên về an ninh mạng nhờ trợ giúp nhằm tìm ra lỗ hổng, đồng thời khắc phục tối đa các phần mềm gián điệp, mã độc đã bị tin tặc cài đặt vào hệ thống trong quá trình tấn công nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra sau này.