Trong lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 (tối 15/11) đã giới thiệu bức thư biên giới gửi đảo xa.
Câu chuyện về lá thư tay vượt hơn 1.700km từ vùng cao Sơn La đến xã đảo Thạnh An (TP.HCM) đã thực sự chạm đến trái tim nhiều người. Hành trình đặc biệt ấy không chỉ là minh chứng cho tình đồng nghiệp thắm thiết mà còn là bức tranh chân thực về cuộc sống, những nỗ lực và cả những trăn trở của các thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài “gieo chữ” trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Cô Quang Thị Xuân giao lưu tại chương trình tuyên dương tối 15/11. Ảnh: Tiền phong
Người viết nên câu chuyện đầy xúc động này là cô giáo Quàng Thị Xuân, sinh năm 1990, dân tộc Thái. Cô hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Người nhận được món quà tinh thần đặc biệt này là cô Quãng Thị Thu Cúc, giáo viên Trường Mầm non Thạnh An. Có lẽ, chính sự đồng điệu trong nghề nghiệp, trong trái tim yêu trẻ đã kéo hai cô giáo, ở hai vùng miền cách trở về gần nhau hơn.
Chia sẻ về lý do viết thư trên báo Tiền phong, cô Xuân tâm sự, với mong muốn hiểu rõ hơn việc dạy và học ở nơi đảo xa; hành trình vượt qua những khó khăn để gieo tri thức cho học sinh.
Cô Quàng Thị Xuân chụp ảnh cùng học trò. Ảnh: VTC News
Trong thư, cô Xuân đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm chân thành nhất của mình: "Các anh chị đồng nghiệp thân mến! Theo em được biết, để dạy học ở nơi hải đảo xa xôi, các thầy cô giáo cũng rất vất vả. Giữa chốn ngút ngàn trùng khơi quanh năm chập chùng sóng vỗ, em biết anh chị đã phải đương đầu với khó khăn thử thách, những thiếu thốn tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày như nước ngọt, điện thắp sáng... Nhưng em biết rằng, anh chị vẫn kiên trì bám đảo để tiếp tục ươm mầm xanh cho nơi vùng biển mặn mòi xa xôi của Tổ quốc."
Cô Xuân cũng không quên hỏi han về tình hình dạy và học nơi đảo xa: "Chỗ anh chị công tác có còn thực trạng học sinh bỏ học không? Ở đảo cơ sở vật chất đã đảm bảo chưa, có còn phòng học tạm không? Để góp sức mình cho sự nghiệp trồng người, thầy cô đã vượt qua khó khăn như thế nào?..."
Đặc biệt, cô giáo vùng cao còn chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ mỗi dịp 20/11: "Hàng năm vào ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy cô nơi đảo xa thường nhận được tình cảm của các trò ra sao? Còn chúng em nơi miền núi cứ mỗi dịp 20/11 về thường nhận được rất nhiều tình cảm của các trò qua những bó hoa dại xuyến chi, dã quỳ... tuy giản dị nhưng chúng em cảm thấy ấm lòng vô cùng."
Cuối thư, cô Xuân bày tỏ mong ước cùng các đồng nghiệp chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn, vất vả của vùng miền, nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người mà thầy cô đã lựa chọn.
Nội dung lá thư tay vượt hơn 1.700km của cô giáo vùng cao gửi đồng nghiệp nơi đảo xa. Ảnh: VTC News
Về phía cô Cúc, khi nhận được thư, cô vô cùng xúc động. Cô chia sẻ trên VTC News: "Bức thư giúp tôi hiểu rõ hơn về công việc, những khó khăn mà các đồng nghiệp đang công tác nơi vùng cao như chị Xuân đang trải qua. Điều này khiến cho những thách thức mà giáo viên xã đảo chúng tôi đang phải đối mặt vơi đi phần nào."
Cô Cúc cũng cho biết thêm, so với những đồng nghiệp nơi hải đảo tiền tiêu, vùng biên cương của Tổ quốc, những khó khăn mà cô gặp phải nhỏ bé hơn rất nhiều. 10 năm công tác tại xã đảo duy nhất của TP.HCM, điều khiến cô tự hào vẫn luôn là câu nói: "Tôi là một giáo viên!".
Câu chuyện về bức thư tay vượt trùng khơi này đã thực sự lay động trái tim người đọc. Nó không chỉ là câu chuyện về tình nghĩa đồng nghiệp, mà còn là bài ca đẹp về tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết và sự cống hiến thầm lặng của những người lái đò, đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai.