Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam biến động ra sao sau lệnh cấm của Trung Quốc với Nhật Bản?

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn bộ thuỷ sản từ Nhật Bản được cho là có thể đem lại một số cơ hội cho ngành thuỷ sản Việt Nam. Song, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết cơ hội chỉ có ở một vài nhóm nhỏ.

Tạp chí Công thương đưa tin, ngày 24/8, Chính phủ Trung Quốc đã có thông báo chính thức về việc cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thuỷ sản từ Nhật Bản trong bối cảnh Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng không nêu rõ hiện lệnh cấm nhập khẩu này sẽ kéo dài đến thời gian nào.

"Quyết định nhằm ngăn chặn toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên. Chúng tôi bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu”, Cơ quan Hải quan Trung Quốc nêu rõ.

Trung Quốc cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thuỷ sản từ Nhật Bản. Ảnh: Tạp chí Công thương

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 trên 47 tỉnh Nhật Bản kể từ tháng 7/2023. Theo Văn phòng Thống kê Nhật Bản, Trung Quốc nhập khẩu lượng thuỷ sản trị giá khoảng 600 triệu USD từ Nhật Bản trong năm 2022; qua đó, trở thành quốc gia nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Nhật Bản.

VnExpress dẫn thông tin mới nhất từ giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá ở Nha Trang, cho biết lệnh cấm trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thủy sản Việt Nam, nhưng mức độ chỉ tập trung ở vài nhóm nhỏ như cá ngừ và các loại hải sản. Còn các sản phẩm như cá tra và tôm sẽ không có nhiều thay đổi.

Doanh nghiệp của ông đang cung cấp cả tôm, mực, bạch tuộc và cá ngừ cho thị trường Trung Quốc. "Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ tăng mua đơn hàng cá ngừ so với cùng kỳ khoảng 15%, còn tôm với bạch tuộc vẫn giảm 20%", ông nói.

Quý IV, xuất khẩu thủy hải sản của công ty sang Trung Quốc được kỳ vọng khởi sắc khi nước này tăng mua vào các dịp lễ cuối năm. Đặc biệt, cá ngừ vây xanh của Nhật bị cấm xuất sang thị trường này là cơ hội cho giá hàng Việt tăng và thêm vị thế.

Tương tự, ông Doãn Chí Thiên – thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt - cho biết, thủy hải sản Việt Nam có thêm động lực về phục hồi vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, nhóm thủy sản đánh bắt ở biển có thêm cơ hội hơn khi vào thị trường này. Bởi lẽ, theo ông, phần lớn thủy sản Trung Quốc nhập từ Nhật Bản là các loại giáp xác và động vật thân mềm. Xét về cơ cấu sản phẩm nhập khẩu, cua, tôm các loại, ốc và cá ngừ là nhóm sẽ hưởng lợi.

Đứng ở góc độ toàn diện của ngành, các doanh nghiệp đều cho rằng, cơ hội cho thủy sản Việt sang thị trường Trung Quốc không quá lớn. Bởi lẽ, tổng kim ngạch thủy sản được Trung Quốc nhập khẩu năm 2022 là 19,13 tỷ USD, nguồn cung từ Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 3%. Các quốc gia cung ứng thủy sản chủ chốt cho Trung Quốc là Ecuador (chiếm 18,6%), Nga (chiếm 14,4%), Việt Nam (chiếm 8,8%), và Ấn Độ (chiếm 6,6).

Lệnh cấm của Trung Quốc có thể đem lại cơ hội một số nhóm sản phẩm nhỏ. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Theo dữ liệu của SSI Research, giá cá tra xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn đang thấp hơn cùng kỳ vì sức mua giảm mạnh. Như vậy, cá tra không phải sản phẩm có thể thay thế trực tiếp hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản (động vật thân mềm như mực, bạch tuộc, sò... là sản phẩm chiếm tỷ trọng xuất khẩu chính). Năm 2022, giá trị xuất khẩu phi lê cá từ Nhật sang Trung Quốc chỉ đạt 11,8 triệu USD. Ecuador, Ấn Độ và Nga là những nước xuất khẩu chính cho Trung Quốc.

"Chúng tôi ghi nhận khối lượng tăng nhẹ so với cùng kỳ của xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vào tuần trước nhưng không đáng kể và không liên quan đến tin cấm nhập khẩu này", SSI Research nhấn mạnh trong báo cáo.

Đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng tương đồng khi cho rằng, bức tranh xuất khẩu thủy sản trên thị trường thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng khó phục hồi mạnh. Nửa đầu năm các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc vẫn đối mặt với lạm phát khiến tiêu thụ sụt giảm.

Trong đó, 7 tháng đầu năm, xuất cá tra sang đây giảm 32% còn 325 triệu USD, tôm sang thị trường này đạt 338 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ. Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP - dẫn chứng, ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng của Việt Nam kỳ vọng vào yếu tố cầu tăng sau khi Trung Quốc mở cửa. Nhưng thực tế kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại giảm mạnh.

Ông Hòe nhận định quy định cấm nhập khẩu từ Nhật Bản của Trung Quốc chưa được coi là "thời cơ" cho Việt Nam vì những nước cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc là Ecuador, Ấn Độ và Nga chứ không phải đất nước mặt trời mọc. Với Việt Nam, nhóm sò điệp, hải sâm, cua có cơ hội tăng nhưng tỷ lệ không quá cao vì giá các mặt hàng này đắt đỏ trong khi người tiêu dùng nước này đang thắt chặt chi tiêu.

Phương Uyên (T/h)

Tin nổi bật