Trong phiên xử chiều 18/1 đã bất ngờ xuất hiện những tình tiết có lợi cho bị cáo Hoàng Công Lương từ các chuyên gia y tế về chạy thận.
Tại TAND TP Hoà Bình, HĐXX dành thời gian để hỏi ý kiến các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật lọc máu trong chạy thận nhân tạo.
Bị cáo Hoàng Công Lương - Ảnh: Lao động. |
Trả lời câu hỏi của luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: "Người sửa chữa phải đảm bảo nguồn nước an toàn để tiến hành lọc máu. Khi điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên thông báo đã sửa xong thì bác sĩ có thể ra y lệnh".
Theo Tiến sĩ Dũng, trong quá trình lọc máu chạy thận thì mặc định kỹ thuật viên và người cung cấp nước phải đảm bảo nguồn nước. Bác sĩ có thể dựa trên báo cáo của điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên để ra y lệnh.
Cũng theo ông Dũng, trước mỗi ca chạy thận thì kỹ thuật viên bắt buộc phải kiểm tra chất lượng nước. Nếu nước RO có vấn đề, chỉ số đồng hồ vọt lên cao thì kỹ thuật viên phải thông báo để ngừng các bước tiếp theo.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Minh Thông (Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai) khẳng định bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành việc đào tạo chuyển giao kỹ thuật chạy thận cho bệnh viện Hoà Bình theo Đề án 1816 của Bộ Y tế.
GS Nguyễn Gia Bình (ở giữa), bác sĩ Phạm Minh Thông (trái). |
"Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình 5 kỹ thuật liên quan đến lọc máu, trong đó có kỹ thuật xử lý nước. Tất cả đều đúng quy trình của Bộ Y tế. Sau mỗi khoá đào tạo, chúng tôi đều chấm điểm học viên" - bác sĩ Phạm Minh Thông cho biết.
“Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao cho các bác sĩ, điều dưỡng viên Bệnh viện Hòa Bình về nguyên lý lọc máu, đào tạo về lý thuyết và thực hành. Sau mỗi khóa đào tạo, phía Bạch Mai đều chấm điểm các học viên. Mỗi chương trình chuyển giao kỹ thuật đều có một kíp học. Bệnh viện Hòa Bình cử cán bộ đi học khá đông”, bác sĩ Phạm Minh Thông nói thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết việc đưa axit Flohydric vào sục màng rửa của máy RO là sai quy định. Trước đó, công việc sục màng rửa được công ty Thiên Sơn giao hoàn toàn cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc. Quốc đã sục rửa máy RO số 2 nhưng để tồn dư axit Flohydric, là nguyên nhân trực tiếp khiến 9 bệnh nhân tử vong.
Theo ông Dũng, kỹ thuật viên phải là người quan sát hệ thống màng RO, kiểm tra các thông số cần thiết. Nếu nước RO có vấn đề thì chỉ số trong đồng hồ dẫn điện vọt lên dẫn cao, vượt quá ngưỡng an toàn 135-145. Lúc này, kỹ thuật viên phải báo cáo bác sĩ để dừng quy trình lại ngay.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. |
GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, khi được luật sư hỏi về dấu hiệu sốc phản vệ, đã cho hay: "Thông tư 51 năm 2012 của Bộ Y tế không có chữ "sốc phản vệ" trong danh mục, mà chỉ có từ phản vệ. Bởi, sốc phản vệ là triệu chứng nặng nhất, bệnh nhân có thể chết ngay. Còn bệnh nhân có tình trạng nôn mửa, ngứa ngáy có thể gọi là phản vệ."
Trường hợp các y bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xác định nguyên nhân ban đầu trong sự cố y khoa là phản vệ là đúng và lập tức phải cấp cứu phản vệ. Sau đó tìm nguyên nhân trực tiếp.
GS giải thích, những bệnh nhân lọc máu ở đường ống RO đầu tiên (còn tồn dư hóa chất) là những người hứng chịu nặng nhất, khó cứu sống được. Còn những người không dùng thuốc là trường hợp rất nhẹ nên được chuyển sang viện khác điều trị. Không nên lý luận người này tiêm thì chết, người kia không tiêm thì sống.
Minh Minh (T/h)