(ĐSPL) - Trên mạng đã xuất hiện một số website bán vé với giá đắt gấp 4 đến 5 lần so với giá vé của ngành đường sắt. Đặc biệt, website này có tên miền rất giống tên miền website của ngành đường sắt.
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, sáng 10/12, ông Lê Quốc Trung, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn, cho biết hiện nay xuất hiện nhiều website bán vé tàu hỏa có giá đắt gấp 4-5 lần so với giá vé của ngành Đường sắt và có tên miền rất giống trang website của ngành Đường sắt.
Theo ông Lê Quốc Trung, những hành khách đặt mua vé qua các website giả mạo trên đều không hợp lệ. Vì thế, hành khách sẽ không thể lên tàu với các vé này.
Giao diện của website giả mạo - Ảnh: Báo Tri thức trực tuyến |
Liên quan đến vấn đề này, báo Công lý thông tin, để đặt mua vé, tìm hiểu thông tin giờ tàu, giá vé và một số quy định khác, hành khách truy cập vào website chính thức của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (www.dsvn.vn).
Ngoài ra, hành khách có thể truy cập thêm các trang website của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam www.vr.com.vn; Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Gòn (www.saigonrailway.com.vn); Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội: (www.vantaiduongsathanoi.vn) để được mua vé đúng giá niêm yết, tránh bị lừa đảo.
Sau khi thông tin cảnh báo được đưa ra, phóng viên đã liên hệ với website giả mạo nêu trên để đặt mua vé. Theo đó, chặng Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội (ngày 15/1/2017) được bán với giá 2.600.000đ/ vé giường nằm tầng 2, tàu SE8. Trong khi giá vé niêm yết tại Ga Sài Gòn là 1.864.000đ, đắt hơn gần 600.000đ/1 vé/1 lượt. Nhân viên book vé cho rằng vì công ty làm dịch vụ nên giá vé sẽ cao hơn nhiều lần so với vé tại ga.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm nay, lượng vé tại Ga Sàn Gòn phục vụ tết đã được bán ra gần hết, người dân cần lưu ý tìm hiểu và mua vé trước để tránh hiện tượng khan vé và phải mua vé giá cao, hoặc mua vé qua các công ty dịch vụ, website giả mạo.
Hành vi bán vé giả sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 66 Nghị định 171/2013/NĐ – CP, cụ thể: 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi sử dụng vé tàu giả để đi tàu. 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Nhân viên bán vé của nhà ga, nhân viên bán vé của đại lý bán vé tàu, nhân viên bán vé trên tàu bán vé tàu trái quy định; b) Mua, bán vé tàu nhằm mục đích thu lợi bất chính. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Làm vé tàu giả; b) Vận chuyển vé tàu giả; c) Bán vé tàu giả; d) Tàng trữ vé tàu giả. 4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này bị tịch thu vé tàu giả; b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này bị tịch thu toàn bộ số vé tàu hiện có; c) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này bị tịch thu toàn bộ vé tàu giả, dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện dùng để làm, vận chuyển vé tàu giả; d) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Điểm c Khoản 3 Điều này bị tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi bất hợp pháp”. |
(Tổng hợp)