Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xuất hiện nhiều “tân binh” nợ bảo hiểm xã hội với số tiền “khủng”

(DS&PL) -

Ngoài những cái tên quen thuộc như báo ĐS&PL từng phản ánh thì còn có nhiều cái tên “lạ hoắc”, ít được nhắc đến trong danh sách các đơn vị nợ BHXH lớn nhất TP.HCM.

Ngoài những cái tên quen thuộc như báo ĐS&PL từng phản ánh thì còn có nhiều cái tên “lạ hoắc”, ít được nhắc đến trong danh sách các đơn vị nợ BHXH lớn nhất TP.HCM. Người lao động đang canh cánh về thưởng Tết, trong khi đó các doanh nghiệp này lại ngó lơ quyền lợi của họ.

Cố tình chây ì

Bà Trần Ngọc Giao Châu, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết: “Tính đến thời điểm tháng 12/2018, có 761 đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng và 300 triệu đồng trở lên trên địa bàn TP.HCM với số nợ trên 991 tỷ đồng”.

Những nơi có doanh nghiệp nợ nhiều như: BHXH TP.HCM với 50 đơn vị, BHXH quận 1 với 84 đơn vị, BHXH quận 12 là 45 đơn vị, BHXH quận Bình Tân là 65 đơn vị, BHXH quận Bình Thạnh là 54 đơn vị... Tuy nhiên, đây chỉ là những đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng và 300 triệu đồng trở lên.

Thực tế, đã có nhiều công ty phá sản, ông chủ bỏ trốn, bỏ rơi người lao động.

Ngoài những cái tên quen thuộc như hệ thống tập đoàn Mai Linh (khoảng 100 tỷ đồng), công ty TNHH Nam Phương, có chủ bỏ trốn đang nợ gần 30 tỷ đồng hay công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) nợ trên 25 tỷ đồng... như từng phản ánh thì còn đó nhiều cái tên lạ, ít được nhắc đến.

Một trong những cái tên đình đám là công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falco Shipping - địa chỉ tại 172A Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3) đang nợ gần 15 tỷ đồng. Theo thông tin từ tổng cục Thuế, công ty này có người đại diện pháp luật là ông Lê Thành Trung, Giám đốc là Chu Gia Thịnh.

Ngoài việc nợ BHXH, công ty này cũng đã đóng cửa hàng loạt chi nhánh nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Điển hình như chi nhánh công ty Hà Nội, chi nhánh Hải Phòng, chi nhánh Quảng Ninh, chi nhánh Đà Nẵng, chi nhánh Vũng Tàu, chi nhánh Khánh Hòa, chi nhánh Quy Nhơn.

Chỉ duy nhất có chi nhánh tại Quảng Ngãi đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế. Ngoài ra còn có trung tâm Nghiên cứu khoa học và dịch vụ kỹ thuật (đăng ký tại cục Thuế TP.Hà Nội) cũng đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế.

Falco Shipping là "con" của tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã từng được chuẩn bị cho phá sản. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị này vẫn còn tồn tại và hoạt động. Trước đó, mở rộng điều tra vụ án tham nhũng xảy ra tại xí nghiệp Sửa chữa tàu biển (nay là Falco Shipping), cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng (C48 - bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Quốc Khánh, nguyên Tổng Giám đốc và ông Bùi Văn Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc đơn vị này.

Rồi công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp (Descon - số 146, Nguyễn Công Trứ, quận 1) đang nợ gần 12 tỷ đồng. Năm 2008, Descon được xếp hạng nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do báo Vietnamnet bình chọn, xếp hạng tín dụng AAA (2008) và A (2012).

Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp này còn giới thiệu “hoành tráng”: “Hơn 150 dự án đã đang được Descon xây dựng trên khắp cả nước với đủ các loại hình như: Nhà máy, cao ốc văn phòng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, bán lẻ và bệnh viện...”.

Cùng với đó, tháng 6 vừa qua, “Descon đã phối hợp cùng đơn vị chủ đầu tư - công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ Du lịch Quang Minh – Sài Gòn tổ chức buổi Lễ động thổ khách sạn Quang Minh, tại số 25 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM”. Rồi công ty cũng tăng vốn điều lệ lên 206 tỷ đồng trong năm 2018... thế nhưng số nợ BHXH của công ty này ngày càng tăng lên.

Công ty TNHH SX - TM Bến Nghé (địa chỉ tại 318, Trịnh Đình Trọng, phường Hoà Thạnh, quận Tân Phú) nợ trên 10 tỷ đồng. Công ty này có tiền thân là cơ sở sản xuất Bút Bi Đông Á. Bến Nghé từng được bình chọn là “Hàng Viêt Nam chất lượng cao” và là một trong 100 thương hiệu dẫn đầu do báo Tiếp Thị Sài Gòn tổ chức bình chọn năm 2006.

Top 10 những đơn vị nợ BHXH lớn nhất TP.HCM

Ngoài ra, còn hàng loạt cái tên đứng trong top 10 những đơn vị nợ BHXH lớn nhất TP.HCM như: Công ty TNHH Vĩnh Thụy (511 Điện Biên Phủ, phường 3, quận 3 cũng nợ trên 11 tỷ đồng hay công ty TNHH J-Tech Vina (địa chỉ xưởng E3, 63C Lò Lu, khu phố Phước Hiệp, phường Trường Thạnh, quận 9) nợ trên 10 tỷ đồng. Công ty TNHH Dệt kim Fenix Việt Nam (lô 53, khu chế xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức) nợ gần 9,5 tỷ đồng.

Ngoài top 10 thì còn hàng loạt những cái tên tiếp theo cũng có số nợ lớn. Điển hình như công ty Cổ phần Sản xuất Giày Thượng Thăng (D5/42, khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) nợ trên 9,3 tỷ đồng, công ty cổ phần Rossano (lô 10, đường số 1, khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) nợ trên 9,1 tỷ đồng hay như công ty TNHH Kỹ thuật Hòa Hiệp (phòng 4, lầu 13, 9B Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình) nợ trên 9 tỷ đồng...

Ghi nhận của PV cho thấy, trong danh sách nợ nói trên, còn có hàng loạt các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và có số lượng công nhân lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là thời điểm Tết đang cận kề.

“Liệu người lao động có được thưởng Tết và các phúc lợi khác để mua sắm, tiêu dùng, trang trải trong dịp Tết này hay không?. Rõ ràng, một khi không đóng BHXH thì quyền lợi khác của người lao động có nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn, trong đó sẽ có thưởng Tết. Chúng tôi cũng cảm thấy rất lo, nhất là thời điểm Tết đang cận kề”, anh Nguyễn Thành An, một người lao động đang làm việc cho công ty đang nợ BHXH lớn tại quận 12, TP.HCM chia sẻ.

Doanh nghiệp không đóng BHXH, chắc chắn quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, “cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để đốc thúc các đơn vị này làm ăn nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, một trong số đó là đóng BHXH cho người lao động”, luật sư Nguyễn Hoàng Sơn, đoàn Luật sư TP.HCM khuyến nghị.

“Nếu các đơn vị này cố tình chây ì thì cứ căn cứ vào luật mà xử lý, không lý gì lại du di cho các hành vi này. Bởi, người lao động chính là nguồn lực quan trọng nhất để tạo ra lợi nhuận cho các ông chủ”, chuyên gia về luật này phân tích thêm.

“Trong bối cảnh, nhiều doanh nghiệp cố tình lơ các quyền lợi của người lao động thì cơ quan chức năng phải phối hợp với các đơn vị liên quan như ban Quản lý khu chế xuất/khu công nghiệp... để có giải pháp, nhằm hỗ trợ cho người lao động có cái tết đầm ấm, sum vầy, đặc biệt là những người không thể về quê ăn tết. Qua đó, tránh gây tâm lý bất ổn, hoang mang... dễ bị các đối tượng xấu kích động, lôi kéo”, TS. Nguyễn Thành Phong, đại học Văn hoá TP.HCM chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Đối với những đơn vị nợ BHXH, BHYT thì quyền lợi của người lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, người lao động sẽ không được hưởng các chế độ BHXH, BHYT như thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT khi đi khám chữa bệnh; không được giải quyết trợ cấp ốm đau; thai sản; tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp...”.

Về các doanh nghiệp nợ BHXH, bà Thu cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đốc thúc, tuy nhiên, nếu đơn vị vẫn không khắc phục nợ thì sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị nợ. Sau thanh tra, đơn vị không khắc phục sẽ chuyển hồ sơ đơn vị sang cơ quan công an để khởi tố hình sự”.

Dương Thanh Tùng

Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 157, ngày 31/12/2018

Tin nổi bật