Một số luật sư đề nghị chủ tọa không cho phép báo chí tác nghiệp. Lý do là để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo được bộ luật Dân sự và bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định.
Sáng nay (2/3), TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt – Navibank.
10 bị cáo đều được tại ngoại và bị đưa ra xét xử, gồm: nguyên Tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí; 3 nguyên Phó tổng giám đốc Navibank là Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn; nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Kế toán Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp Trần Thanh Bình, nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Đinh Thị Đoan Trang, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro Nguyễn Ngọc Oanh và nguyên Trưởng phòng Pháp chế Phạm Thị Thu Hiền.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Vietnamnet |
Ngay khi phiên tòa vừa bắt đầu, một số luật sư đề nghị chủ toạ không cho phép báo chí tác nghiệp. Lý do là để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo được bộ luật Dân sự và bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định.
Chủ tọa Vũ Thanh Lâm (Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM) trả lời với các luật sư rằng đây là phiên tòa hình sự xét xử công khai, báo chí tác nghiệp tuân thủ nội quy phiên tòa, theo đúng luật báo chí, chịu trách nhiệm về bài viết, khi tác nghiệp không gây mất trật tự phiên tòa.
Trước đó, trong hai ngày xét xử, vì 10 bị cáo đều được tại ngoại nên việc các nhà báo, phóng viên chụp hình các bị cáo khá khó khăn. Cụ thể, đa phần các bị cáo đều phản ứng, không cho phép chụp hình và nói rằng phải có sự đồng ý của các bị cáo mới được chụp hình.
Mặc dù các nhà báo đã giải thích rằng họ được sự đồng ý của HĐXX, nhưng một số bị cáo vẫn yêu cầu: “Văn bản đồng ý của HĐXX đâu, đưa ra đây. Chúng tôi đã cho phép chụp hình chưa?”.
Trước đó, tại phiên tòa ngày 1/3, nguyên Tổng Giám đốc Navibank Lê Quang Trí không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng quá trình điều hành ngân hàng có thiếu sót nhưng thiếu sót này không phải cố ý, không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo bị cáo Trí, Luật các tổ chức tín dụng không có điều khoản nào cấm nhân viên ngân hàng vay tiền chính ngân hàng của mình rồi đem gửi tổ chức tín dụng khác; phương án vay vốn không nhất thiết là phương án riêng, khoản vay được đảm bảo bằng hợp đồng tiền gửi tại VietinBank, lãi vay bằng với lãi suất tiền gửi cộng với lãi suất ngoài nên xét về phương án trả nợ là đảm bảo nên việc cho vay là phù hợp.
Tương tự, bị cáo Đoàn Đăng Luật cũng không đồng ý với cáo trạng đã truy tố. Bị cáo Luật khẳng định chỉ làm việc với bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) với tư cách là người của VietinBank Chi nhánh Nhà Bè; không có mối quan hệ, cuộc gọi nào và “không liên quan” với Huỳnh Thị Huyền Như. Các bị cáo khác cũng kêu oan, khẳng định chỉ làm theo chủ trương, bản thân không hưởng lợi cá nhân gì. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro) là không kêu oan và khai rằng thời điểm đó, Navibank có chủ trương gửi tiền Vietinbank lấy lãi cao.
Đại diện Navibank cũng khẳng định, việc Navibank cho các nhân viên vay tiền để gửi sang Vietinbank hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là đúng quy định. Việc mất tiền và gây thiệt hại là do hành vi lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như và sự quản lý lỏng lẻo của Vietinbank. Navibank không đòi các bị cáo trong vụ án này bồi thường nhưng yêu cầu Vietinbank bồi thường 200 tỷ.
Chủ tọa phiên tòa cho biết, Navibank tham gia tố tụng với tư cách nữa là nguyên đơn dân sự và người có quyền và nghĩa vụ liên quan, do đó ngân hàng này được quyền kháng cáo những nội dung liên quan đến quyền lợi của ngân hàng. Việc Navibank đòi Vietinbank bồi thường 200 tỷ là nằm ngoài nội dung vụ án này. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng không có quyền xem xét nội dung này do đã được xử lý tại bản án có hiệu lực pháp luật của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vị chủ tọa cũng khẳng định, các hợp đồng cho nhân viên vay tiền thực chất là một thủ thuật để các bị cáo lấy tiền khỏi ngân hàng đem sang gửi tại ngân hàng khác để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Về vấn đề này, đại diện Navibank cho rằng đây là quan điểm của chủ tọa phiên tòa, Navibank vẫn khẳng định các hợp đồng cho vay này là đúng quy định.
Tham gia phiên tòa với vai trò là người làm chứng, các nhân viên đứng tên hợp đồng vay tiền đều cho biết bản thân không có nhu cầu vay tiền, chỉ thực hiện chủ trương được lãnh đạo phổ biến là tham gia đứng tên vay tiền của ngân hàng gửi sang ngân hàng khác hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng để “giúp ngân hàng”. Về bản chất, các nhân viên cho biết bản thân chỉ đứng tên hộ NaviBank gửi tiền vào VietinBank.
Nhiều nhân viên khẳng định không biết lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là bao nhiêu, không gặp gỡ nhân viên hay lãnh đạo Vietinbank; chỉ ký các hợp đồng vay tiền do nhân viên tín dụng của Navibank đưa chứ không “nghiên cứu”, không hưởng lợi từ việc này.
Cự Giải (T/h)