Khổ tận cam lai?
Cuộc sống có lẽ luôn có những trường hợp đặc biệt, vượt ngoài căn bản và khác biệt so với phần còn lại. Bà Nguyễn Thị Gẩm (SN 1935) ở làng Ngọc Đới (xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có lẽ là người được chọn, nhưng trớ trêu số phận lại lựa chọn cho bà một cách cùng cực nhất.
Bà Gẩm gốc người huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, khoảng 60 năm trước bà nên duyên vợ chồng với người thanh niên xã bên, sau khi hai ông bà cùng tham gia Dân công hỏa tuyến trở về địa phương.
Ở cái tuổi nhẽ ra phải được vui vầy bên con cháu nhưng bà Gẩm vẫn phải một mình nuôi 4 người con tật nguyền.
Hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, bà theo chồng về quê tại làng Ngọc Đới làm lụng mưu sinh, hòng mong về một cuộc sống bình dị như nhiều gia đình thuần nông khác trên mảnh quê nghèo, nép dưới bờ đê sông Yên.
Nhưng, niềm hạnh phúc với ông bà chẳng tày gang, khi lần lượt hai người con của ông bà nối nhau ra đời mà không được như bình thường, đã lên ba, lên bốn mà không thể đi lại, nói năng như thường lệ. Bấm bụng, nuốt nước mắt vào trong với hy vọng và khát khao chính đáng một người con lành lặn, hai người con nữa của ông bà tiếp tục chào đời. Nhưng than ôi...! Thời gian dần trôi, cả 4 người con vẫn ngày một lớn lên nhưng niềm hy vọng trong bà đã như thắt lại.
Tiếp chúng tôi tại băng ghế dài giữa sân, trước ngôi nhà mái bằng là những khuôn mặt đủ vẻ đờ đẫn, vô hồn với chân tay queo quắt của 3 người con, bên cạnh khuôn mặt mẹ già chai sạn, nhăn nheo và đôi mắt đã mờ đục với độ tuổi thượng thọ của mình.
“Có lẽ đó là số phận của tôi và mỗi người đều sẽ có hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai. Tôi với ông nhà quen nhau từ khi cùng đi Dân công hỏa tuyến ở Thượng Lào, khi về cả 2 nên duyên vợ chồng rồi về đây làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Khi thằng út được mấy tháng thì ông ấy lâm bệnh mất sớm chỉ sau một trận ốm, bỏ tôi một mình với đàn con nheo nhóc. Giờ tôi cũng gần chín chục tuổi rồi, cũng chỉ mong còn có sức khỏe để lo cho mấy đứa này, nhưng cũng không biết được tới khi nào”- bà Gẩm vừa buộc gọn túm tóc cho cô con gái đã ngoài 40 vừa bình thản nói.
Không như người khác, một ngày bình thường của bà Gẩm sẽ bắt đầu bằng việc vệ sinh cá nhân và cơm cháo cho những người con ngây dại của mình. Xong xuôi đâu đấy, bà mới bắt đầu với công việc mưu sinh gắn liền với mình ngót nghét hơn nửa đời người. Với hoàn cảnh như vậy, bà còn có thể làm gì khác ngoài tranh thủ ra dòng Yên cạnh nhà mò cua bắt ốc cơm cháo qua ngày, hoặc mót thêm tí khoai sắn hay bện cói bán lại cho người ta.
Bà Gẩm đang buộc gọn túm tóc cho cô con gái đã ngoài 50 tuổi.
Dù cả 4 người con của bà đều đã ở tuổi ngoài 45, tuy nhiên, không có lấy một người tỉnh táo. Tất cả các hoạt động cơ bản thường nhật bà Gẩm đều phải lo toan. Tuy vậy, đến lúc này, điều bà Gẩm sợ nhất là mỗi khi tối đến hay ngoài đồng về, bà lại thấy thiếu đi một, hai người con của mình.
Bà kể, thi thoảng mấy người con của bà vẫn thường đột nhiên mất tích một, hai ngày, lúc đó bà lại tất tả đi tìm hoặc người dân gần đây người ta biết nên lại giúp đưa về. Khoảng mấy năm trước, đã có lần người con út tên Nguyễn Bá Sơn đi lạc lên tận huyện miền núi Bá Thước (cách nhà 150km), khiến bà và hàng xóm tìm kiếm hơn 6 tháng mà không tung tích gì. May mắn, sau đó có một chị bán hàng tạp hóa trên đó thương tình cho ăn và dò hỏi liên hệ bên chính quyền nên tìm lại được.
“Đợt đó thằng Sơn đi 6 tháng liền, may mắn có một chị tốt bụng cho ăn và đưa về. Sau đó, tôi có mua con gà trống và 5 cân gạo nếp nhờ đứa cháu chở tôi lên nhà chị ấy để cảm tạ”- bà Gẩm kể lại.
Tuy vậy, may mắn đã không mỉm cười với bà lần nữa, khi mới đây, người dân thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bàng hoàng phát hiện thi thể đứa con thứ 2 tội nghiệp của bà là Nguyễn Đình Năm khi anh này đi lạc vào đây mà không biết đường về.
“Tôi và mọi người đi tìm hơn một tuần thì nghe tin nên tức tốc vào nhận con thì đúng là con mình. Nó đi lạc vào đó, có lẽ đêm tối lại bệnh tật không ai biết nên chịu đói chịu rét mà mất. Âu cũng là số kiếp một con người!”- bà Gẩm chua xót cho đứa con xấu số của mình.
Phận đời còm cõi trong ngôi làng “tật nguyền”
Theo bà Gẩm chia sẻ, khi biết được hoàn cảnh của bà, nhiều “Mạnh Thường Quân” đã lui tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình. Ba năm trước cũng chính các nhà hảo tâm đã góp tiền xây dựng cho bà được căn nhà mái bằng lấy chỗ trú ngụ cho bà và các con. Tới đầu năm nay, các nhà hảo tâm lại hỗ trợ làm thêm hàng rào bằng khung thép để các con của bà không còn đi lại lang thang.
Ngoài ra, hàng tháng bà cũng được nhà nước hỗ trợ 540.000 đồng/người theo chính sách hỗ trợ người tật nguyền và người già. Những khoản tiền trên cũng giúp cho bà có được khoản ổn định để cân đo, lo cái ăn hàng ngày cho các con.
Trước hoàn cảnh éo le của bà Gẩm, PV ĐS&PL đã có trao đổi với ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc thì bất ngờ được biết, tại làng Ngọc Đới có tới hơn 60 trường hợp bị tật nguyền, trong đó, trường hợp gia đình bà Gẩm là khó khăn nhất. Theo ông Tam, những trường hợp này, hàng tháng đều có chế độ theo quy định của nhà nước, đồng thời, những ngày lễ tết địa phương đều có hoạt động quan tâm và chia sẻ.
“Ngoài chế độ hỗ trợ theo quy định của nhà nước, mặc dù với điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn nhưng vào các dịp lễ, tết địa phương đều tới thăm hỏi tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn”- ông Tam cho biết.
Trước hoài nghi về việc nhiều người mắc các chứng tật nguyền trong cùng một làng, ông Tam cho biết, chưa từng biết hoặc nghe qua khu vực làng Ngọc Đới có kho chứa hóa chất hay hoạt động khác thường nào. Đồng thời, cũng chưa có đoàn nghiên cứu nào về kiểm tra nguồn nước cũng như nguyên nhân của các trường hợp trên.
Theo tìm hiểu, trước khi sáp nhập thêm xã Quảng Vọng, xã Quảng Phúc có 3 làng Ngọc Đới, Ngọc Bồn và Bình Nậu, với diện tích 4,84 km², dân số là 2.781 người.
Hữu Phương
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (209)