Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xót xa con gái dựng lều làm chỗ thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng

(DS&PL) -

(ĐSPL) - “Tôi cứ làm tạm như vậy, đến đâu hay đến đó. Nhưng sợ nhất là mùa mưa bão đã tới, túp lều này sẽ đổ sập bất cứ lúc nào”, bà Khước ngậm ngùi khi nói về việc phải dựng lều thờ mẹ và các anh.

(ĐSPL) - “Tôi cứ làm tạm như vậy, đến đâu hay đến đó. Nhưng sợ nhất là mùa mưa bão đã tới, túp lều này sẽ đổ sập bất cứ lúc nào”, bà Khước chia sẻ trong nỗi xót xa cho số phận của mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh trai đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Bà Khước bên bàn thờ mẹ VNAH và các anh trai đã hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.

Gần 20 năm đi xin hỗ chợ xây nhà thờ cho mẹ VNAH

Đã nhiều ngày qua, người dân ở xóm 3, xã Hà Ninh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đâu đâu cũng xôn xao bàn tán và có phần xót xa về việc bà Nguyễn Thị Khước (là con út của mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bút) đã phải dựng lều để thờ cúng người mẹ đã qua đời cùng với các anh ruột đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Được biết, mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bút sinh được 7 người con, trong đó có 3 người con trai đã hi sinh anh dũng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gồm: Nguyễn Văn Trưởng, hi sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ; Nguyễn Văn En và Nguyễn Văn Minh, hi sinh ở mặt trận phía Nam.

Mẹ Bút được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý.

Sau hòa bình lập lại, mẹ được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ các chính sách cho người có công. Nhưng rồi trước nỗi đau quá lớn, khi 3 người con trai của mẹ đều hi sinh cho sự nghiệp cao cả để giải phóng dân tộc, đến năm 1996, do tuổi cao sức yếu, mẹ Bút đã qua đời, ngôi nhà cấp 4 mẹ ở cũ nát qua thời gian cũng đổ sập.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Khước (SN 1954), con út của mẹ Bút chia sẻ, bà quá đau xót vì mất các anh, sau nhiều đêm mất ngủ, bà đã quyết định không lấy chồng, ở vậy để chăm mẹ già.

Theo bà Khước, khi mẹ bà còn sống, ngôi nhà hai mẹ con ở đã xập xệ vì nhà đã xây từ thời xa xưa. Đến khoảng năm 1992- 1993, mẹ Bút đã làm đơn xin xã, huyện chính sách để sửa sang lại nhà cửa cho có lối ra lối vào nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy đâu. “Cho đến khi mẹ nằm xuống, nguyện vọng là được xây một gian nhà thờ kiên cố trên chính mảnh đất ông bà tổ tiên đã để lại. Từ đó tôi chính thức làm đơn đi xin khắp nơi từ xã, lên huyện, thậm chí lên cả tỉnh nhưng cũng chẳng được”, bà Khước tâm sự và than thở, "làm mãi không được gì tôi cũng chán không muốn làm gì nữa".

Túp lều bạt đơn dựng giữa trời làm bàn thờ.

Cũng theo bà Khước, đã mấy chục năm qua, bà làm đơn khắp nơi, đã không ít lần chính quyền huyện về thăm nhà bà, tặng quà và hứa hẹn sẽ thu xếp làm nhà cho bà có chỗ ở và để thờ các anh của bà cũng như mẹ bà nhưng rồi lại bặt vô âm tín, bà lại chờ đợi trong vô vọng trước sự hứa hão của các cấp có thẩm quyền nơi đây.

Đã nhiều lần lặn lội, đề xuất lên chính quyền để bà có ngôi nhà làm nơi thờ phụng mẹ Bút - Mẹ VNAH cùng các anh nhưng đến giờ này bà vẫn chờ đợi trong vô vọng.

Bà Khước kể lại: “Tôi cũng không nhớ mình phải lặn lội lên tỉnh bao nhiêu lần để đề nghị với lãnh đạo tỉnh nữa, cứ đi mãi mà không thấy có kết quả gì. Bà chỉ nhớ công văn mới đây nhất vào tháng 3/2014 mà tỉnh ủy có ý kiến chỉ đạo: “Giao đồng chí GĐ Sở LĐ-TBXH cho kiểm tra cụ thể, đề xuất báo cáo thường trực Tỉnh ủy”. Không có nơi thờ phụng mẹ và các anh, bà Khước đã phải làm một túp lều sơ sài che bằng bạt để lấy chỗ hương khói. “Tôi cứ làm tạm như vậy, đến đâu hay đến đó. Nhưng sợ nhất là mùa mưa bão đã tới, túp lều này sẽ đổ sập bất cứ lúc nào”, bà Khước chia sẻ trong nỗi xót xa.

Cần lắm những tấm lòng hảo tâm

Chia sẻ với PV, bà Khước rưng rưng nước mắt, bản thân bà năm nay tuổi đã cao sức yếu, không biết còn sống được bao lâu. Cuộc sống của bà bất hạnh, cô đơn không nơi nương tựa. Tiền lương mất sức chỉ được hơn 1 triệu đồng/ tháng nên không thể lo được một gian nhà thờ như ước vọng của mẹ trước khi từ giã cõi đời.

Phòng LĐ-TBXH huyện Hà Trung cũng đã có văn bản trả lời đơn thư của bà Khước không nằm trong diện hỗ trợ người có công với Cách mạng về nhà ở theo Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH, ngày 16/7/2012 và Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Phòng LĐ-TBXH đã báo cáo lên Sở LĐ-TBXH xin ý kiến chỉ đạo.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Khá, Chủ tịch UBND xã Hà Ninh cho biết, xã đã nhiều lần kiến nghị với huyện về trường hợp của bà Khước. Tuy nhiên, do bà Khước không phải là bố, mẹ, vợ, chồng, con của các liệt sĩ nên các chính sách dành cho người có công với cách mạng không thể thực hiện được. “Chúng tôi cũng rất mong các tổ chức, cá nhân quan tâm, hỗ trợ bà Khước xây dựng nhà thờ mẹ VNAH và các liệt sĩ”, ông Khá nói.

Mang những băn khoăn trên đến tìm gặp ông Đào Xuân Yên  - Bí thư huyện ủy Hà Trung, được ông cho biết, trường hợp của bà Khước huyện cũng trăn trở nhiều năm nay. Vì bà Khước không nằm trong diện chính sách hỗ trợ nên Sở, huyện không thể giải quyết cho. “Chúng tôi đang phối hợp UBND mặt trận Tổ quốc huyện và xã Hà Ninh kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ bà Khước để cho bà sớm hoàn thành ước nguyện của một người con, người em đối với mẹ với những người anh nhưng có lẽ cũng rất khó nếu không có đơn vị từ thiện nào giúp đỡ”, ông Yên chia sẻ.

Trước sự việc đau lòng trên, đề nghị các cấp có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa cũng như huyện Hà Trung cần sớm có biện pháp để gia đình bà Khước có nơi thờ tự mẹ Nguyễn Thị Bút và các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến của dân tộc trong thời gian sớm nhất.

Tin nổi bật