Hành động này vô cùng quen thuộc và được nhiều người áp dụng nhưng thực chất lại có ảnh hưởng xấu tới trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Câu chuyện đau lòng xảy đến với gia đình chị Tiểu Văn, hiện đang sinh sống ở Trung Quốc. Chị Tiểu Văn vừa hạ sinh một cô con gái vô cùng dễ thương, khiến cả nhà ai nấy đều vô cùng hạnh phúc, tranh nhau cưng nựng.
Bố mẹ chồng của chị Tiểu Văn thường hay bế cháu trên tay, không ngừng lắc lư vì cho rằng cách đó sẽ giúp bé dễ ngủ hơn. Chị Tiểu Văn nhìn thấy thì không đồng ý để ông bà làm vậy, đồng thời đọc cho ông bà nghe về tác hại của hành động rung lắc đối với trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, chị Tiểu Văn nói gì cũng bị mẹ chồng gạt đi với lý do hồi nhỏ bà cũng chăm chồng chị như vậy nhưng anh vẫn khỏe mạnh, không hề bị ảnh hưởng gì. Mẹ chồng chị còn nói mọi người từ trước đến này vẫn dỗ trẻ như vậy và đứa trẻ nào cũng thích đung đưa như thế cả.
Chồng và bố chồng của chị Tiểu Văn nghe mẹ chồng chị nói xong cảm thấy hoàn toàn có lý nên hết mực ủng hộ. Thấy chẳng thể thay đổi suy nghĩ của 3 người, chị Tiểu Văn đành bỏ qua, không tiếp tục can thiệp phản đối cách ông bà ru cháu ngủ nữa.
Thời gian dần qua đi, con gái chị Tiểu Văn giờ cũng đã được 8 tháng tuổi. Đến một ngày nọ, người mẹ trẻ tá hỏa phát hiện con gái không có chút phản ứng nào, cơ thể lúc thì cứng ngác không thể cử động nổi, lúc lại mềm nhũn chẳng khác nào sợi bún.
Bà mẹ trẻ sững sờ khi con 8 tháng tuổi bị bại não, càng bất ngờ khi nguyên nhân có liên quan đến hành động rung lắc trong thời gian dài. Ảnh minh họa |
Hoảng hốt không biết con gặp vấn đề gì, chị Tiểu Văn vội vàng đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám. Tại đây, chị Tiểu Văn “chết sững” khi nghe các bác sĩ chẩn đoán con gái 8 tháng tuổi bị bại não. Đau đớn hơn, nguyên nhân gây bệnh có liên quan tới vấn đề rung lắc trong thời gian dài.
Trên thực tế, hội chứng rung lắc trẻ (Shaken baby syndrome – SBS) còn được biết đến với cái tên tổn thương não lạm dụng (abusive – AHT), là một hội chứng xảy ra chủ yếu với trẻ từ 0 – 3 tuổi, nhiều nhất là từ sơ sinh tới 8 tháng tuổi.
Được biết, đây là khoảng thời gian mà đầu em bé chiếm 1/4 trọng lượng cơ thể, cơ cổ rất yếu ớt, chưa chịu được sức nặng của đầu. Não bộ lại chưa phát triển nhiều, còn nằm trôi nổi trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh. Thêm vào đó, xương sọ của trẻ mềm, màng não mỏng, giữa não và xương sọ có khoảng trống.
Việc rung lắc quá mạnh, đặc biệt là một số động tác như tung hứng, quay vòng tròn quá mạnh có khả năng làm cho khối não di chuyển theo quán tính vật lý. Khi di chuyển như vậy, não có thể bị va đập vào hộp xương sọ, từ đó bị sưng phù, áp lực nội sọ tăng lên, gây ra các tổn thương cho các mạch máu trong não.
Các tổn thương này có thể khiến trẻ chậm phát triển tinh thần, giảm khả năng nhận thức, rối loạn hành vi nói và nghe, giảm thị lực hoặc mù lòa, liệt thần kinh. Chúng còn có rất nhiều tác động xấu khác, thậm chí là khiến trẻ tử vong, tùy theo mức độ tổn thương. Nhiều tổn thương chỉ được phát hiện khi trẻ đã lớn.
Điều đáng nói là có quá nhiều người quen với việc rung lắc nhằm dỗ trẻ nín khóc hay dễ ngủ hơn nhưng thường không nhận ra trẻ đã bị tổn thương, vẫn tiếp tục thực hiện hành động đó khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hiểu được những tác hại của việc rung lắc đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ và người thân cần cẩn thận, không lắc lư trẻ dù chỉ trong vài giây, kể cả khi vui đùa hay giận giữ, khi trẻ thức hay ngủ, tránh gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Đinh Kim (T/h)