Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Xóa sổ” hàng rong, cửa hàng bán lẻ... từ từ chết?

(DS&PL) -

TP.Hà Nội sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh trái cây và xóa bỏ các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng.

TP.Hà Nội sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh trái cây và xóa bỏ các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng.

Hà Nội sẽ vắng bóng hàng rong bán hoa quả?

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành". Theo đó, mục tiêu hết năm 2018, 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây; trái cây lưu thông trên địa bàn sẽ được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP... 

Đề án này đưa ra việc sẽ xóa hoàn toàn các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện ATTP và trật tự đô thị, đặc biệt ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng. Dù đây là niềm mong mỏi của hàng triệu người tiêu dùng Thủ đô, tuy vậy, không mấy người bày tỏ sự lạc quan vào đề án này.

Chị Nguyễn Thu Hương (Trương Định, Hà Nội) cho hay, chị đã kinh doanh mặt hàng hoa quả hơn chục năm nay và thực tế, phần lớn nguồn hoa quả nhập vào đều không có chứng từ chứng minh nguồn gốc. Khi PV hỏi về quy định người bán sẽ phải lưu trữ hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây của các cửa hàng tối thiểu 6 tháng, chị Hương cho biết chưa nắm được thông tin và tỏ ra băn khoăn trước việc siết chặt quản lý kinh doanh mặt hàng hoa quả.

Tới đây, người bán hoa quả sẽ phải đăng ký kinh doanh. (Ảnh minh họa).

Chị Hương chia sẻ: “Kiểm soát chất lượng trái cây là điều nên làm song cơ quan quản lý cần có tiêu chí rõ ràng. Thực tế hiện nay, người nông dân khi cung cấp các mặt hàng nông sản ra thị trường đều không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, người kinh doanh như chúng tôi cũng không thể “vẽ” ra giấy tờ để hợp thức hóa nguồn gốc mặt hàng hoa quả. Nếu vậy, các cửa hàng kinh doanh hoa quả chỉ có đóng cửa, chuyển nghề”. Cũng theo lời chị Hương, ngay cả những cửa hàng chuyên bày bán các loại hoa quả nhập ngoại cũng khó chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm.

Không chỉ những chủ cửa hàng kinh doanh hoa quả mà những người bán hàng rong cũng phập phồng lo lắng. Anh Nguyễn Văn Thi (quê Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Trình độ văn hóa thấp, công việc thì không có, để kiếm miếng cơm manh áo, mình ra phố bán hàng. Gánh hoa quả là nguồn thu nhập chính của gia đình mình, nếu không còn được bán thì mình cũng chưa biết phải làm nghề gì”.

Về góc độ người tiêu dùng, đa số đều khấp khởi mừng và hy vọng rồi đây sẽ chấm dứt cảnh “ăn trong sợ hãi”. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao có thực phẩm, hoa quả sạch, có nguồn gốc rõ ràng, với quy trình sản xuất, nhập khẩu cụ thể chứ chỉ “siết” các hộ kinh doanh, chẹn mấy anh chị bán hàng rong thì e rằng chưa ổn.

Chị Thu Huyền (Bạch Đằng- Hà Nội) chia sẻ với PV: “Lâu nay, gia đình tôi đã tẩy chay một số loại hoa quả trong nước, hoặc hoa quả ngoại không rõ nguồn gốc. Bởi lẽ hàng ngày cứ nghe chuyện người trồng phun thuốc, ngâm tẩm hóa chất trái cây, không quan tâm sức khỏe người dùng mà sợ. Bỏ tiền lớn mua hoa quả nhập, “hàng xách tay” cho con ăn, nói thật, xót tiền nhưng cũng tạm yên tâm, tuy nhiên chả biết “ở bển” người ta trồng, bảo quản như thế nào. Thôi thì sống bằng niềm tin vậy.”

Quản từ “gốc” thay vì siết kinh doanh

Đại diện sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nhu cầu sử dụng trái cây của người dân Hà Nội lên đến 52.000 tấn/tháng. Trong khi đó, lượng trái cây sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu (9.360 tấn); phần lớn lượng trái cây tiêu thụ hiện nay là từ các tỉnh, thành và nhập khẩu nước ngoài về Hà Nội. Do vậy, một loạt quy định nhằm kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của từng loại trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây cũng sẽ được áp dụng.

Mỗi lô hàng trái cây mua vào, cửa hàng kinh doanh phải lập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp; nếu cơ sở mua trái cây từ các đơn vị được chứng nhận VietGap, Globalgap phải có giấy chứng nhận còn hiệu lực. Riêng đối với trái cây nhập khẩu, phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Trái cây kinh doanh trong cửa hàng phải đảm bảo rõ ràng và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ...

Trước tham vọng thị trường không có hoa quả "bẩn" của Hà Nội, trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, đây là một ý tưởng tốt nhưng tính khả thi không cao.

Theo ông Phú, hiện nay trong siêu thị mặt hàng hoa quả chỉ đáp ứng khoảng 10%, còn lại là do cửa hàng bán lẻ, hệ thống chợ, người bán hàng rong cung cấp cho nên việc quản lý đội ngũ bán lẻ rất khó. Hơn nữa, nguồn gốc hoa quả, kể cả hoa quả nhập khẩu rất phức tạp. Thực phẩm “bẩn”, trong đó có trái cây không chỉ ở chợ cóc, vỉa hè mà đang tuồn vào cả những siêu thị uy tín. Hoa quả trong nước sản xuất đại trà, không rõ nguồn gốc, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Hà Nội mới đảm bảo được 30% sản lượng hoa quả còn lại phụ thuộc vào các tỉnh và nhập khẩu, thế nên việc kiểm soát nguồn gốc rất khó khăn.                      

 N.Giang

Không thể kiểm soát khâu bán lẻ ở “ngọn”

Theo quan điểm của ông Phú, chúng ta không nên dùng biện pháp hành chính mà phải lưu tâm đến việc sắp xếp chỗ cho người kinh doanh, buôn bán hoạt động. Việc này, TP.HCM làm rất tốt, họ quy hoạch chỗ bán hàng cho những người bán hàng rong. Trước mắt, Hà Nội nên thí điểm đối với các cửa hàng kinh doanh hoa quả- nơi có địa chỉ cụ thể. Điều quan trọng, Hà Nội cần phối hợp với các tỉnh, bộ NN&PTNT nhằm quản lý nông sản từ gốc, tổ chức sản xuất sạch. Khi đó, hoa quả vào siêu thị, vào chợ còn lại chỉ là vấn đề bảo quản, sạch ngay từ gốc. Không thể kiểm soát khâu bán lẻ ở “ngọn”.

Tin nổi bật