Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xóa sổ băng nhóm chuyên trộm đồ của khách du lịch theo 'đơn đặt hàng'

(DS&PL) -

Không nghề nghiệp, thích ăn chơi, 3 gã thanh niên đã nhanh chóng tụ tập thành băng nhóm chuyên đột nhập vào các khách sạn lấy trộm tiền bạc, tài sản của khách lưu trú.

Không nghề nghiệp, thích ăn chơi, 3 gã thanh niên đã nhanh chóng tụ tập thành băng nhóm chuyên đột nhập vào các khách sạn lấy trộm tiền bạc, tài sản của khách lưu trú.

Theo TTXVN, ngày 22/3, Công an thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã triệt phá và bắt khẩn cấp 3 đối tượng trong băng nhóm chuyên đột nhập các nhà nghỉ, khách sạn tại Đà Lạt để lấy tài sản của du khách. Các đối tượng bị bắt gồm Vương Xuân Minh (sinh năm 1991), Vương Văn Hiếu (sinh năm 1993) và Lê Đức Dậu ( sinh năm 1993), cùng tạm trú tại đường Lữ Gia, phường 9, Đà Lạt.

Theo Cơ quan điều tra, các đối tượng trên không có nghề nghiệp ổn định và thường xuyên cùng nhau thực hiện các vụ trộm tại nhà nghỉ, khách sạn tại Đà Lạt.

Đối tượng Vương Xuân Minh (Ảnh: báo Dân trí)

Báo Thanh Niên đưa tin, theo lời khai ban đầu, từ cuối năm 2016, Hiếu, Minh và Dậu thuê nhà trọ trên đường Lữ Gia, P.9 (Đà Lạt) để tiện "hành sự". Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến ngày 11/3/2017, băng trộm này liên tục thực hiện nhiều vụ trộm tại các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP.Đà Lạt.

Thủ đoạn của nhóm này là đến các khu nhà nghỉ, khách sạn "khảo sát địa hình" trước khi đột nhập. Và vào khoảng từ 1 - 2h sáng, khi du khách ngủ say, các nghi phạm cạy cửa sổ hoặc ô thông gió nhà vệ sinh rồi đột nhập vào khách sạn lấy trộm tài sản.

Trong 3 nghi phạm, Minh và Hiếu chuyên "đánh hàng" còn Lê Đức Dậu là người nhận tiêu thụ tài sản do Hiếu và Minh lấy trộm được. Dậu còn nhận bán tài sản theo đơn đặt hàng từ huyện Lâm Hà, sau đó báo cho Hiếu và Minh đi lấy trộm.

Xác định đây là băng trộm chuyên đột nhập các khu du lịch và khách sạn trộm đồ của du khách, Công an TP Đà Lạt đã lập chuyên án điều tra từ 3 tháng qua. Đến chiều tối 21/3, cơ quan công an đã lần lượt bắt giữ cả 3 nghi can trên. Tang vật thu được gồm nhiều điện thoại , laptop, iPad, mã tấu, dao, kìm…

Tang vật cơ quan công an thu giữ được (Ảnh: báo Dân trí)

Thống kê ban đầu, tổng giá trị tài sản do băng trộm này trộm được hơn 200 triệu đồng.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh, mở rộng điều tra làm rõ vụ việc.

Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Điều 250. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp ;

c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;

d) Thu lợi bất chính lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo


(tổng hợp)

Tin nổi bật