TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm 16 bị cáo trong băng nhóm cưỡng đoạt tài sản của người chuyển giới bán dâm.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, ngày 7/9, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án bảo kê đường dây mại dâm chuyển giới tại khu vực đường Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM.
Trong vụ án này có 16 bị cáo, gồm: Phạm Xuân Lộc (tức Lộc cá, 35 tuổi), Trương Công Định (25 tuổi, cùng quê Hải Phòng), Lê Văn Dũng (38 tuổi, có 3 tiền án), Đào Thị Cúc (vợ Dũng, 46 tuổi, có 1 tiền án) và 12 đồng phạm khác. 16 bị cáo này bị truy tố tội "cưỡng đoạt tài sản".
Đây là băng nhóm giang hồ từ Hải Phòng vào hoạt động bảo kê mại dâm chuyển giới (nam chuyển giới thành nữ) tại khu vực đường Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM.
Các bị cáo trong đường dây bảo kê mại dâm chuyển giới - Ảnh: Thanh Niên |
Theo báo Tri thức trực tuyến, tại tòa, các bị cáo khai việc cưỡng đoạt tiền diễn ra xoay vòng, mỗi ngày hai người trực tiếp đến thu tiền của những người chuyển giới bán dâm. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, các bị cáo không được nhận dạng, đối chất với bị hại về số tiền đã thu.
Ngoài ra, lời khai của các bị cáo còn nhiều mâu thuẫn. Theo Lê Văn Dũng, trong thời gian anh ta cầm đầu băng nhóm thu tiền bảo kê, vợ Dũng là bị cáo Đào Thị Cúc có biết về việc này nhưng không hề tham gia.
Dù trước đó đã xác nhận tham gia băng nhóm từ đầu, nhưng sau khi nghe lời khai của Dũng, Cúc cũng cho rằng mình không thu hay nhận tiền của các bị hại từ tháng 8/2014 đến 12/2014.
Xét thấy còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như lời khai còn nhiều mâu thuẫn, các bị cáo chưa nhận dạng bị hại, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ vụ án cho VKSND TP.HCM, yêu cầu điều tra bổ sung.
Báo Infonet trích dẫn cáo trạng thể hiện, từ tháng 8/2014 tại đoạn đường Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 10) thường xuất hiện một nhóm khoảng 20 người đứng bán dâm trong thời gian từ 21h đến 3h sáng hôm sau.
Những người này được xác định là nam chuyển giới thành nữ. Tuy nhiên để được đứng ở đây mỗi người phải nộp từ 100 đến 200 ngàn đồng/ngày cho vợ chồng Dũng, Cúc. Nếu không nộp họ sẽ bị đuổi đánh.
Bám vào đây, mỗi tháng các đối tượng thu hơn 40 triệu đồng. Đang “làm ăn” thì tháng 12/2014 Dũng bị bắt vì chống người thi hành công vụ. Không dừng lại, Cúc cấu kết với Lộc “tiếp quản” đường dây này.
Chỉ vài tháng sau đó Cúc bị Lộc “đá văng”, từ đó cùng đàn em độc chiếm quyền thu tiền. Tuy nhiên, cũng chỉ hai tháng sau đó Lộc bị chính đàn em của mình là Trương Công Định loại bỏ khỏi đây.
Rạng sáng ngày 4/1/2016, CATP bắt đầu chiến dịch bắt giữ các đối tượng phạm tội. Biết được việc này Lộc trốn về Bắc Giang, tuy nhiên sau đó đối tượng này vẫn sa lưới.
Kết quả điều tra cho thấy các bị cáo trong vụ án đã kiếm được và chia nhau số tiền khoảng 600 triệu đồng.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 8/9 - Theo Vnexpress
Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)