Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xe điện dáng “bò nhỏ” bị đặt ra ngoài vòng pháp luật từ khi nào?

(DS&PL) -

Theo Quy chuẩn Việt Nam 68:2013/BGTVT, xe điện dáng “bò nhỏ” trên thị trường sẽ thuộc diện hàng không giấy tờ, không được kiểm định chất lượng và không được phép lưu hành

Theo Quy chuẩn Việt Nam 68:2013/BGTVT, xe điện dáng “bò nhỏ” trên thị trường sẽ thuộc diện hàng không giấy tờ, không được kiểm định chất lượng và không được phép lưu hành.

Xe đạp điện, xe máy điện xuất hiện ở Việt Nam khoảng năm 2010. Có thể nói, kể từ khi xuất hiện xe đạp điện, xe máy điện với giá thành rẻ, chạy bằng điện, không khói bụi, không tiếng ồn lại nhỏ gọn nên được người dân lựa chọn cho con em sử dụng đi học rất nhiều.

Ngay sau khi xuất hiện loại hình phương tiện này, các cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc để đưa ra Quy chuẩn, Tiêu chuẩn quản lý an toàn.

Theo đó, Quy chuẩn Việt Nam số 68:2013/BGTVT của Bộ GTVT quy định xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, có vận tôc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg.

Quy chuẩn số 14:2011/BGTVT quy định xe gắn máy điện là phương tiện chạy bằng động cơ điện và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h. Theo Quy chuẩn này cùng các văn bản liên quan, xe máy điện vì có tốc độ cao hơn nên sẽ phải chịu kiểm soát chặt chẽ hơn như phạm vi thử nghiệm an toàn cao hơn, bắt buộc phải đăng ký biển số (cùng với đó là phải nộp lệ phí trước bạ). Trong khi đó, xe đạp điện chịu ít sự quản lý hơn.

Thực hiện quy định của Thông tư 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe của Bộ Công an, kể từ ngày 1/7/2016, các xe máy điện sẽ phải đăng ký biển số. Và để phòng tránh hiện tượng lách luật, hợp thức hoá xe máy điện thành xe đạp điện, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 66/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT để làm rõ các tiêu chuẩn của xe đạp điện.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/4/2016 sửa đổi một số điểm của Quy chuẩn Việt Nam 68:2013/BGTVT. Theo đó, các xe điện có tên gọi chung là M133, “bò nhỏ”, bò điện nhỏ đều không còn được cấp chứng nhận chất lượng là xe đạp điện nữa.

Chiếu theo những quy định mới này, thì xe điện dáng “bò nhỏ” trên thị trường sẽ thuộc diện hàng không giấy tờ, không được kiểm định chất lượng và không được phép lưu hành. Nhưng đáng chú ý là dù quy định này đã có hiệu lực hơn 1 năm nhưng hiện nay nếu đi một vòng các cửa hàng bán xe điện trên địa bàn Hà Nội thì gần như cửa hàng nào cũng bày bán xe điện dáng “bò nhỏ”.

Quy định mới Quy chuẩn về xe đạp điện.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này, chúng tôi đã đến một cửa hàng bán xe đạp điện của Công ty TNHH Dương Tiến Phát ở địa chỉ 62 đường Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Theo một nhân viên tại đại lý này, họ đang bán xe đạp điện dáng “bò nhỏ” giá 8,5 triệu đồng/xe, nhưng đang trong thời gian khuyến mại nên khách mua sẽ được giảm 1 triệu đồng.

Theo nhân viên này thì xe “bò nhỏ” này có tốc độ tối đa khoảng 40km/h, chỉ chậm hơn xe máy điện khoảng từ 10-20km. Tuy nhiên, theo nhân viên tại đại lý này, đối với xe máy điện thì sẽ buộc phải đi đăng ký và bị quản lý chặt hơn. Còn đối với xe đạp điện chỉ cần mua về là có thể ra đường và không cần thêm bất kỳ loại giấy tờ nào.

Khi chúng tôi tỏ ra thắc mắc về việc khó nhận biết giữa xe đạp điện và xe máy điện vì nhìn tương đối giống nhau thì nhân viên ở đây cho biết “Nếu ra đường bị CSGT bắt giữ thì họ sẽ xem xe có líp xe không thôi. Nếu xe có líp thì không sợ bị phạt, còn xe máy điện không có cái này. Xe cứ mua về là đi, không cần phải lắp thêm bàn đạp xe”.

Những chiếc xe đạp điện này được giới thiệu đi với tốc độ tối đa khoảng 40km/h và những chiếc líp xe được nhà sản xuất thiết kế chỉ để cho... có thôi.

Tiếp tục đến cửa hàng Thế giới xe điện ở địa chỉ 80 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) chuyên bán xe đạp điện và xe máy điện. Tại đây, nhân viên cho biết, xe đạp điện trên thị trường hiện này có rất nhiều loại nhiều loại, kiểu dáng khác nhau. Dòng xe đạp điện đại lý đang bán có thể chạy với tốc độ tối đa khoảng 35km/h.

Theo nhân viên bán hàng tại đây, xe đạp điện không phải đăng ký, còn xe máy điện vẫn phải đăng ký như quy định. Khi chúng tôi thắc mắc hỏi, trong thời gian tới, xe đạp điện cũng đưa vào diện quản lý, bắt buộc phải đăng ký, đăng kiểm thì nhân viên này đáp: “Chưa nghe thấy gì”.

“Nếu nhỡ mua xe đạp điện bắt phải đăng ký, đăng kiểm thì làm thế nào?” – chúng tôi hỏi. “Không biết được vì luật cũng chưa rõ ràng, nhưng có lẽ Nhà nước sẽ ra một luật khác” – nhân viên này đáp.

Ngoài ra, xe “bò nhỏ” không những được chào bán công khai tại các đại lý mà loại phương tiện này còn được nhiều đơn vị, doanh nghiệp chào bán công khai trên website của mình như: Công ty TNHH Sunfat Việt Nam (đóng tại Khu Công nghiệp Phố Nối, tỉnh Hưng Yên), Công ty CP Liên doanh Việt Thái (Khu Công nghiệp Hòa Xá, tỉnh Nam Định)…

Chiếc xe đạp điện của Công ty TNHH Sunfat Việt Nam được giới thiệu có thể đạt được tốc độ tối đa 50km/h.

Trao đổi với phóng viên về về này, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay, cơ bản các cơ sở lắp ráp và nhập khẩu đã thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về kiểm tra chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe đạp điện (gồm cả xe mô tô, xe gắn máy điện) trước khi lưu thông trên thị trường.

“Tuy nhiên, việc thực hiện này đối với xe đạp điện vẫn còn tồn tại của một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện đúng các quy định về việc kiểm tra chứng nhận chất lượng xe đạp điện trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Các cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc một cách đồng bộ để quản lý dẫn đến một số loại xe sản xuất chưa được chứng nhận chất lượng hoặc không đảm bảo chất lượng hay tình trạng xe nhập lậu vào thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, một số xe có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo lưu thông trên thị trường dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính.

Còn về tiểu chuẩn kỹ thuật, tất cả các xe đạp điện vượt quá tốc độ 25km/h và trọng lượng lớn hơn 40 kg đều vi phạm Thông tư 66 của Bộ GTVT”, đại diện Cục Đăng kiểm thông tin thêm.

Tin nổi bật