Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xây dựng, quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa: Đại diện Bộ Công an, Ủy ban Chứng khoán đề xuất gì?

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Đại diện Bộ Công an đề xuất cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, công khai danh sách để cảnh báo người dân.

Ngày 27/3, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung”.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

"Cần tăng cường điều tra và xử nghiêm các sàn giao dịch không phép"

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa cùng lúc với việc thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến thông qua trong tháng 5/2025, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số. 

“Việc luật hoá tài chính phi tập trung giúp đảm bảo tính pháp lý của các tài sản mã hoá, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ hội nhập toàn cầu, giúp Việt Nam tối ưu nguồn lực từ thị trường mã hoá đang phát triển sôi động và thực hiện cam kết về phòng chống rửa tiền của chính phủ”, ông Phan Đức Trung khẳng định.

Toàn cảnh Hội thảo.

Trình bày tham luận về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài sản giao dịch, tài sản mã hóa và đề xuất quản lý tại Việt Nam, Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an cho biết dù Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn, nhưng nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu và đang gia tăng. 

Thượng tá Dương Đức Hùng - Phó trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an.

Đại diện Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an) đề xuất, để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hoá, bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện còn cần sự phối hợp liên ngành, ứng dụng công cụ quản lý tiên tiến và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép. 

"Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền", Thượng tá Dương Đức Hùng nhấn mạnh.

Thượng tá Dương Đức Hùng cũng cho rằng cần công khai danh sách các sàn không phép trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet để chặn truy cập vào những nền tảng này. 

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống Rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng việc xây dựng khung pháp lý quản lý các sàn giao dịch đặt ra yêu cầu phức tạp về việc quản trị rủi ro do tính chất ẩn danh, xuyên biên giới, phi tập trung của tài sản mã hoá.

"NHNN đã tham mưu, đề xuất quy định các sàn giao dịch phải thực thi nhiều yêu cầu chặt chẽ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trên cơ sở quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ này”, bà Thơ cho biết.

Không đưa các tài sản vô giá trị lên sàn giao dịch

Chia sẻ về dự thảo quy định thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung đang rất được quan tâm trong thời điểm này, ông Tô Trần Hoà, Phó Trưởng ban Phát triển Thị trường - Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo được xây dựng dựa trên các nghiên cứu từ các thị trường tài sản mã hoá được đánh giá là tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật, UAE, Thái Lan và tuân thủ hệ thống các quy định chung của quốc tế về tài chính, công nghệ.

Tại Hội thảo, các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi cho đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên quan đến việc dùng token và tiền mã hóa để thanh toán, đánh thuế giao dịch tài sản mã hóa, tiêu chuẩn niêm yết tài sản mã hóa lên các sàn giao dịch.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo.

Trả lời câu hỏi, ông Tô Trần Hòa khẳng định khái niệm tài sản mã hóa đang được xây dựng bám sát theo quy định chung của quốc tế. Ông Tô Trần Hòa cũng nhấn mạnh tài sản mã hóa không phải phương tiện thanh toán, tất cả các hoạt động sử dụng tài sản mã hóa làm phương tiện thanh toán đều không được thừa nhận. 

Ông Tô Trần Hòa cho hay các tài sản số, tài sản mã hóa được niêm yết trên sàn phải có giá trị thực, có thanh khoản, không niêm yết các tài sản vô giá trị và mang tính chất lừa đảo lên sàn.

Về vấn đề đánh thuế giao dịch tài sản mã hóa, ông Tô Trần Hòa cho biết hiện nay cách đánh thuế của các nước rất khác nhau. "Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu về phương án đánh thuế và thông báo cho nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất", Phó Trưởng ban Phát triển Thị trường - Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông tin.

Tin nổi bật