Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xấu hổ vì sự nhầm lẫn khái niệm "Cưng nựng" với "Xâm hại" trẻ em của một người hiểu luật

(DS&PL) -

(ĐS&PL) Vụ cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) "nựng" bé gái trong thang máy với hành vi "ngấu nghiến" đầy dục vọng

(ĐS&PL) Vụ cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) "nựng" bé gái trong thang máy với hành vi "ngấu nghiến" đầy dục vọng được các chuyên gia luật cho rằng đây là hành vi "dâm ô" cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Linh khẳng định với cơ quan chức năng rằng hành vi của mình chỉ là "nựng" cháu bé. Phát ngôn trên của ông Linh ngay lập tức bị dư luận lên án mạnh mẽ. Bởi hơn ai hết, ông Linh là Luật sư, từng là Trưởng Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ của cơ quan VKSND Đà Nẵng, nhất là ông đã từng giữ chức vụ cao trong ngành bảo vệ pháp luật nên không thể nói là ông không thể phân biệt rõ giới hạn giữa khái niệm "cưng nựng" và "xâm hại".

Chúng ta vẫn thường dạy trẻ nhỏ rằng “nguyên tắc bikini” là bất khả xâm phạm. Tức là "vùng bikini" (áo tắm) thì cần che lại, chỗ đó là chỗ riêng tư của con trẻ. Nếu bất kỳ ai chỉ cần nhìn chằm chằm vào đó đã là hành vi xâm hại, ai "cưỡng bức" hoặc dùng sức mạnh uy hiếp về tinh thần để sờ chạm vào đó là kẻ xấu và là hành vi vi phạm pháp luật.

Một số chuyên gia cho rằng, ngay cả với bố mẹ, nếu vẫn giữ thói quen "cưng nựng" trẻ như khi mới sinh ra trong nhiều trường hợp cũng vi phạm. Khi trẻ lên 3 tuổi, ý thức về bản thân của trẻ đã xuất hiện nên người lớn phải hạn chế tối đa hành vi này. Còn nếu lỡ ba mẹ thương trẻ quá và muốn cưng chiều, đụng chạm những bộ phận ấy thì phải được sự đồng ý của trẻ. Và việc phụ huynh cho người lạ (so với trẻ) đụng chạm vào cơ thể của trẻ cũng là hành động vô tình nhưng đã là hành vi lạm dụng trẻ.

Sự cố "Cưng nựng" trong cầu thang bị lên án mạnh mẽ

Những điều này, được giáo dục rất căn bản ở các nước trên thế giới. Tổ chức bảo vệ trẻ em ở Anh có tên NSPCC đã kêu gọi các phụ huynh, thầy cô giáo và người lớn tuổi cần dạy cho con của mình Quy tắc PANTS:

P - Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào "vùng kín" của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.

A - Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.

N - No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai.

T - Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.

S - Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Chính vì vậy, nhiều người cảm thấy xấu hổ về hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh trong thang máy và cả những phát ngôn "bao biện" thiếu trách nhiệm của một người từng có "danh" có "vị" trong xã hội. 

Bình luận về vụ việc, Luật sư Bùi Đình Ứng- Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật đã khẳng định ông cảm thấy xấu hổ khi có ông Linh nằm trong hàng ngũ Luật sư. Luật sư Bùi Đình Ứng còn cho rằng, ông Linh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, đến uy tín của cán bộ Luật sư...Theo quan điểm của ông thì Liên đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cần khẩn trương xem xét và chủ động nắm bắt các tài liệu, các chứng cứ, thông qua cơ quan công an xác minh đủ thông tin ,khẩn trương có hình thức xử lý kỷ luật...Hình thức xử lý cao nhất là thu hồi thẻ hành nghề Luật sư đối với ông Nguyễn Hữu Linh.

Còn Luật sư Hoàng Tú Lượng (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết: "Theo quan sát đoạn phim máy quay an ninh ghi lại cho thấy hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh có dấu hiệu của tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi, thậm chí có xu hướng dấu hiệu dâm ô nhiều lần. Khung hình phạt có thể ở mức từ 3-7 năm theo khoản 2 điều 164 Bộ luật hình sự 2015".

Trên các diễn đàn của giới luận gia Việt Nam và đông đảo dư luận có chung quan điểm: Hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh là hành vi dâm ô không thể chấp nhận được. Pháp luật sinh ra là để xử phạt mọi người dân vi phạm pháp luật chứ không riêng gì ai, mà ông Nguyễn Hữu Linh lại là người nắm rõ luật thì càng phải xử lý sai phạm nghiêm để răn đe, giáo dục cho xã hội, đồng thời phòng ngừa được những vấn đề mà dư luận và xã hội đang cần.

Vụ việc của ông Nguyễn Hữu Linh còn có tác động quốc tế mạnh mẽ. Rất nhiều tờ báo của Châu Á, Châu Âu...lên án mạnh mẽ hành vi nghiêm trọng của ông Nguyễn Hữu Linh vì đã đi ngược lại với Công ước bảo vệ Quyền Trẻ em của LHQ (UNICE) mà Việt Nam là một quốc gia thành viên tích cực.

Vương Xuân Nguyên/Sức Khỏe 365

Tin nổi bật