Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xăng dầu giảm giá 9 lần, cước vận tải vẫn “ngoảnh mặt làm ngơ”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tính đến 7/11, giá xăng dầu đã giảm gần 4.500 đồng so với "đỉnh" 25.640 đồng/lít được thiết lập ngày 7/7 nhưng các hãng taxi vẫn "ngoảnh mặt" làm ngơ

(ĐSPL) - Việc xăng dầu giảm giá 9 lần liên tiếp trong thời gian gần đây khiến nhiều chuyên gia và người dân mừng thầm. Bởi từ trước đến nay, "ông xăng dầu" được xem là một trong những thành phần "cứng đầu" nhất trong việc đưa ra quyết định giảm giá. Tuy nhiên, tính đến 7/11, giá xăng dầu đã giảm gần 4.500 đồng so với "đỉnh" 25.640 đồng/lít được thiết lập ngày 7/7 nhưng các hãng taxi vẫn "ngoảnh mặt" làm ngơ, không chịu tuân theo quy luật của thị trường.

Dù xăng dầu giảm 9 lần nhưng cước vận tải vẫn không nhúc nhích.

Mũ ni che tai...

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, từ trước đến nay, người Việt Nam có một thói quen, hễ khi xăng dầu tăng giá là tất cả các mặt hàng đều "khua chiêng, đánh trống" đòi tăng theo. Dường như, xăng dầu được coi là "nguyên nhân đầu tiên" và duy nhất để lý giải cho việc tăng giá. Nhất là những hãng vận tải. Chỉ chờ giá xăng tăng, họ lập tức giở đủ kiểu, ôn nghèo, kể khó. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, khi xăng dầu giảm giá, họ lại làm ngơ, mặc người dân kêu trời.

Còn nhớ, khi giá xăng tăng và lập kỷ lục vào ngày 7/7, lên tới 25.640 đồng/lít thì hàng loạt các dịch vụ hàng hoá, vận tải, ăn uống, công nghiệp, vật liệu xây dựng... lần lượt kêu khó và lập tức tăng giá. Thậm chí, lấy cớ xăng tăng, chỉ trong một ngày, nhiều mặt hàng đã tăng giá gấp đôi, gấp ba. Song với giá xăng dầu liên tiếp giảm được cho là kỷ lục như hiện nay, giá cả hàng hóa dịch vụ và cước vận tải vẫn "đứng yên tại chỗ" là điều bất thường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này, giá xăng đã giảm tổng thể 4.250 đồng/lít. So với mức "đỉnh" là 25.640 đồng/lít thiết lập ngày 7/7 vừa qua thì đến nay giá xăng giảm được khoảng 16,58\%. Trong khi đó, xăng dầu chiếm từ 40-50\% chi phí vận tải nên mức giảm cước taxi tương ứng có thể là hơn 6\%. Như vậy, giá cước taxi có thể giảm được là 600-1.000 đồng/km.

Cách đây không lâu, tháng 9/2014, Bộ GTVT đã làm việc với Hiệp hội Vận tải Việt Nam và các hiệp hội Vận tải ba miền để đàm phán giảm giá cước vận tải cho phù hợp. Cụ thể, nếu trong tháng 10/2014, giá xăng dầu giữ ổn định thì chắc chắn cước vận tải phải giảm. Tuy vậy, đến nay, đã sang tháng 11, giá xăng dầu thậm chí tiếp tục giảm đến lần thứ 9 nhưng cước vận tải vẫn nghe ngóng nhau.

Về vấn đề này, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, sau đợt giảm giá xăng dầu ngày 7/11, Hiệp hội vẫn chưa nhận được thông báo nào của các doanh nghiệp hội viên về việc điều chỉnh giá cước vận tải.

Theo thông tin của PV báo Đời sống và Pháp luật, đến chiều ngày 10/11, giá cước của hãng taxi Vinasun vẫn duy trì ở mức từ 11.000 -12.000 đồng/km (giá mở cửa, tùy loại xe) và 16.500-18.500 đồng/km (tới km thứ 30, tùy loại xe). Chiều cùng ngày, trao đổi với PV, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc công ty cổ phần vận tải thương mại Đất Cảng cho biết, phải 3-4 ngày tới hãng taxi mới áp dụng giảm giá cước taxi 500 đồng/km.

Giải thích về sự chậm trễ trong việc giảm giá cước vận tải, ông Hải cho rằng, việc các thủ tục điều chỉnh giá cước vận tải hiện nay quá rườm rà cũng là một trong những lý do khiến các hãng vận tải "ngại" tăng hoặc giảm giá. 

"Ai cũng biết giá xăng dầu nước ta tăng giảm rất bất thường, mà mỗi lần giảm nhỏ giọt. Chính vì thế, việc điều chỉnh tăng giảm giá cước vận tải cũng cần phải thận trọng, nghe ngóng đã. Chúng tôi không thể cứ thấy giá xăng giảm thông báo rồi niêm yết giảm giá cước, nhưng khi xăng tăng giá lại phải đi đăng ký niêm yết lại giá cước ngay được. Mà, mỗi lần đăng ký mất quá nhiều thời gian của doanh nghiệp.

Tôi lấy ví dụ, đầu tiên chúng tôi phải lên các cơ quan chức năng xin niêm yết lại giá. Việc này mất cả mấy ngày trời. Sau đó, các hãng vận tải tiếp tục đến các trạm kiểm định để người ta mở kẹp chì, điều chỉnh lại đồng hồ tính giá cước. Việc này có khi tốn cả mấy tuần lễ. Bởi, hiện nay, trạm kiểm định đồng hồ taxi rất ít. Ở Hải Phòng chỉ có khoảng 2.000 đầu xe taxi nhưng việc kiểm định hết đã vất vả và mất thời gian lắm rồi. Như ở Hà Nội, TP.HCM, với số lượng taxi "khổng lồ" như vậy, để đến lượt hãng mình được kiểm định, điều chỉnh cước trên đồng hồ taxi thì phải mất cả mấy tuần. Bên cạnh đó, mỗi lần đi điều chỉnh lại đồng hồ, chúng tôi lại mất một khoản chi phí không nhỏ. Chính vì thế, thủ tục rườm rà và việc phải đợi chờ quá lâu là lý do các hãng ngại điều chỉnh giá cước", vị giám đốc này bày tỏ.

...Ngậm miệng ăn tiền

Mấy ngày qua, đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật nhận được rất nhiều ý kiến của người dân về việc xăng dầu giảm giá kỷ lục nhưng các hãng vận tải và các mặt hàng thực phẩm vẫn "chây ỳ" không chịu "xuống". Bà Nguyễn Thị Đậu (54 tuổi, ngụ Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: "Trước đây, mỗi khi xăng dầu tăng giá, mấy bà bán hàng rau cho đến mấy ông chạy taxi đều vin vào đó để móc túi người tiêu dùng. Đến nay, xăng giảm cả mấy ngàn đồng/lít, họ lại viện đủ các lý do để chần chừ giảm cước và giảm giá hàng tiêu dùng. Tôi cho rằng, người tiêu dùng đang phải chịu cảnh thiệt thòi, bị đối xử không công bằng".

Trả lời PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) khẳng định, giá xăng dầu giảm 9 lần nhưng cước vận tải, hàng hóa chưa giảm là không bình thường. Theo ông Hùng, từ trước đến nay có một nghịch lý, khi giá xăng, dầu tăng, giá cả hàng hóa, cước vận tải tăng theo. "Ai cũng hiểu cơ chế thị trường, "nước lên, thuyền lên", xăng, dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đặc biệt ngành vận tải, xăng, dầu chiếm tới 40\% chi phí. Hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng phải qua vận tải, cước tăng sẽ ảnh hưởng giá các mặt hàng khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Vinastas.

Chính vì lẽ đó, dẫu biết rằng, có sự "ăn theo" nhưng người tiêu dùng vẫn phải "gồng mình" khi hàng loạt giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng theo giá xăng, dầu. Nay giá xăng, dầu giảm, thậm chí giảm sâu tới 9 lần thì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền đòi hỏi giảm giá hàng hóa có liên quan. Trước hết là giá cước vận tải hàng hóa và hành khách phải giảm. Đó không chỉ là lẽ công bằng, sòng phẳng giữa người mua - người bán mà còn là uy tín của tổ chức, cá nhân kinh doanh", ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, Hiệp hội đã có văn bản gửi lên các cơ quan liên quan kiến nghị những phản ánh của người tiêu dùng về việc các hãng vận tải không chịu giảm giá cước. Trong các ý kiến của người tiêu dùng gửi về Vinatas đều chung quan điểm, giá xăng dầu giảm mà cước vận tải không giảm là điều phi lý.

Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lý do giữ giá cước của các hãng vận tải chỉ là "ngụy biện". Bởi trước kia, doanh nghiệp vận tải vin vào việc giá xăng dầu giảm nhỏ giọt nên khó điều chỉnh giá song thời điểm này, giá xăng dầu đã giảm tới 9 lần với gần 4.500 đồng/lít thì không thể nói là "nhỏ giọt" nữa. Chỉ cần giá xăng dầu giảm 5-6\% thì doanh nghiệp vận tải đã có thể giảm giá cước vận chuyển được và tương tự với doanh nghiệp taxi là 10\%. Vậy giá xăng đã giảm tổng cộng gần 4.500 đồng/lít thì không có lý do gì để ngành vận tải giữ giá cước ở mức cao như thời điểm hiện nay.

Phần thiệt luôn thuộc về người tiêu dùng

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long cho rằng, do giá thế giới giảm quá sâu, mức giảm này rõ rệt và duy trì khá dài nên giá xăng dầu trong nước mới có cơ sở giảm đến 9 lần như thời gian qua. Tuy nhiên, mức giảm chưa đến 16\% trong khi thế giới giảm đến hơn 20\% là chưa tương xứng. Hiện, Nhà nước còn nắm giữ công cụ thuế, doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận cao nên phần thiệt hoàn toàn thuộc về người tiêu dùng. Theo ông Long, vấn đề cần xem xét về giá xăng dầu hiện nay không phải là số lần giảm giá hay mức giảm so với trước mà cần so sánh tương quan giá thế giới để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo thông tin PV nhận được, đến sáng 11/11, Hiệp hội Taxi TP. Đà Nẵng đã tuyên bố giảm giá cước từ 500-800 đồng/km. Trước đó, công ty Cổ phần Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng (Đà Nẵng) tuyên bố giảm cước cho tất cả dòng xe, mức giảm bình quân 700 - 1.500 đồng/km. Cũng trong ngày 10/11, hãng Taxi Asia ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) cũng công bố giảm cước taxi từ 1h ngày 12/11 với mức giảm 800-2.000 đồng/km.

Tin nổi bật