Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xác định nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trên sông Chà Và

(DS&PL) -

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo chính thức về tình trạng gần 90 tấn cá nuôi trong lồng bè ở xã đảo Long Sơn chết bất thường...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo chính thức về tình trạng gần 90 tấn cá nuôi trong lồng bè ở xã đảo Long Sơn chết bất thường trong những ngày qua.

Theo tin tức trên TTXVN, ngày 10/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo chính thức về tình trạng cá nuôi trong lồng bè ở xã đảo Long Sơn (thành phố Vũng Tàu) chết nhiều trong những ngày qua.

Theo đó, từ ngày 4/8 đến nay, hơn 241.000 con cá, tôm (tương đương gần 90 tấn cá), chủ yếu là cá mú, cá chim, cá ria, cá bớp, tôm của 23 hộ nuôi lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) bị chết. Trong đó, 11 hộ mới thả nuôi được ít ngày, một hộ thả nuôi được 40 ngày, số hộ còn lại thả nuôi từ 3 đến 4 tháng.

Cá chết ở làng bè Long Sơn được xác định do vi khuẩn gây lở loét. Ảnh: VnExpress

Ngay sau khi tình trạng cá chết xảy ra, Sở NN&PTNT tỉnh đã cử các đơn vị chuyên môn xuống lấy các mẫu cá, nước để đưa đi xét nghiệm; đồng thời điều tra, khảo sát, đánh giá các khả năng dẫn đến tình trạng cá chết như: thời tiết, khí hậu, xả thải từ cổng số 6 (nơi trước đây các nhà máy chế biến hải sản thường xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông)….

Kết quả, trước khi xảy ra tình trạng cá chết từ 3 đến 4 ngày, cổng số 6 luôn đóng kín, nước không thoát ra; trong thời điểm cá chết có tình trạng mưa nhiều, dẫn đến nước phân tầng và giảm độ mặn cũng như hàm lượng ô xi trong nước; mật độ nuôi cá lồng bè dày và các loại sinh vật bám xung quanh lưới lồng bè nhiều làm giảm khả năng lưu thông nước trong bè.

Trong số 4 mẫu cá được lấy đi xét nghiệm thì tất cả đều xuất hiện vi khuẩn Vibrio spp (loại vi khuẩn gây lở loét, xuất huyết dưới thân, mang, đầu làm cá chết nhanh); đồng thời cả 5 mẫu nước đều có chỉ tiêu COD, NH3 vượt ngưỡng cho phép, trong đó COD vượt từ 24 - 26 lần, NH3 vượt từ 13 - 22 lần.

Qua phân tích mẫu nước tại những nơi cá chết, các cơ quan chuyên môn nhận định, có sự ô nhiễm cục bộ tại vùng nuôi. Nguồn nước ô nhiễm bởi một số nguyên nhân như: nước thải sinh hoạt của các hộ nuôi sinh sống tại đây; thức ăn cho cá là thức ăn tươi sống chưa được xử lý sạch trước khi cho cá ăn, lượng thức ăn dư thừa nhiều.

Do đó, cơ quan chuyên môn nhận định: nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ và sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh Vibrio spp là nguyên nhân chính khiến cá nuôi lồng bè bị chết trong những ngày qua trên sông Chà Và.

Đáng chú ý, nhiều hộ dân đã đổ thẳng cá chết ra sông mà không chôn lấp theo quy định càng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước nuôi cá cũng như tăng nguy cơ dịch bệnh cho các hộ nuôi khác trong khu vực.

Trao đổi với báo VnExpress, sáng 11/8, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, kết quả kiểm tra các mẫu cá chết ở bè Long Sơn đều có sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio spp - loại vi khuẩn gây lở loét, xuất huyết trên cá. "Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc cá chết", ông Cường nói.

Trước tình trạng trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người nuôi các lồng bè trên sông Chà Và cần thu hoạch sớm đối với cá, tôm vừa đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiệt hại.

Bên cạnh đó, vệ sinh lưới lồng sạch sẽ để tăng cường sự trao đổi nước giúp lồng nuôi thông thoáng, hạn chế vi sinh vật bám vào; giãn thưa lồng, giảm mật độ cá nuôi; theo dõi kỹ lịch thủy triều, đặc biệt là thời điểm nước đứng vào ban đêm và buổi sáng thì tăng sục khí để tăng lượng ô xi trong nước cho cá thở.

Ngoài ra, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp và bổ sung khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; sử dụng kháng sinh trị bệnh gây lở loét trên cá theo sự chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn; định kỳ phòng, trị các loại ký sinh trùng trên cá; thu gom cá chết và xử lý theo quy định.

Như báo Tri thức trực tuyến cho biết thêm, số liệu từ Sở NN&PTNT tình Bà Rịa – vũng Tàu xác định, từ ngày 4 đến 10/8, có khoảng 90 tấn cá bớp, cá chim, cá mú… của 23 hộ dân chết ồ ạt. Ước tính khối lượng của số cá này gần 90 tấn, trong đó hộ thiệt hại nhiều nhất khoảng 25.000 con cá chim giống, hộ ít nhất từ vài trăm đến vài nghìn con.

Theo các hộ dân nuôi cá, hiện tượng cá chết lần này khác với những lần trước đó là lột da, tuột nhớt rồi bỏ ăn và chỉ trong vòng một đêm cá chết hết. Một ngư dân trình báo cá của họ có biểu hiện lờ đờ, bỏ ăn, nổi lên mặt nước và chết.

Được biết, cá bè trên sông Chà Và từng chết ồ ạt nhiều đợt do sông ô nhiễm bởi hoạt động xả thải của các nhà máy đóng gần khu vực. Nhiều công ty bị ngư dân kiện ra trước tòa vì đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật