Nằm ở phía nam huyện Ba Vì, xã miền núi Vân Hoà cách trung tâm huyện 20 km, có diện tích 3.292,8 ha, dân số 2.998 hộ, 12.003 khẩu gồm 48% đồng bào dân tộc Mường và một số dân tộc khác, còn lại là dân tộc Kinh. Với xuất phát điểm thấp, để có được kết quả như hiện tại, xã đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, Vân Hòa là xã đặc biệt khó khăn về đời sống kinh tế, một số hộ dân còn nằm trong vùng 134 của TP Hà Nội, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm. Cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa, điện, hệ thống giao thông còn chưa được đầu tư nhiều.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, Đảng bộ chính quyền xã Vân Hoà đã lãnh đạo cán bộ và nhân dân các dân tộc trong xã phát huy truyền thống đoàn kết, vượt mọi khó khăn xây dựng địa phương ngày càng phát triển và đổi mới.
Ông Nguyễn Phi Long, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vân Hoà khẳng định, thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua là nhờ phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động được sự ủng hộ của đồng bào các dân tộc với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", thực hiện "Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".Những kết quả nổi bật do chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại đó là, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi được xây dựng mới và nâng cấp hoàn thiện, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là một quá trình đổi mới và phát triển không ngừng nghỉ, những kết quả địa phương đạt được mới chỉ là bước đầu; năm 2023 xã Vân Hoà đang thực hiện nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã Vân Hoà về xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022 -2025, địa phương tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua " Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu".
Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xã đã chủ động huy động các nguồn vốn đầu tư, các nguồn lực từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các loại hình kinh tế, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa, làm du lịch cộng đồng. Hiện nay, chăn nuôi bò sữa đã trở thành thế mạnh của xã, với 5.466 con; số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định; các mô hình nuôi ong, mô hình trồng hoa cây cảnh, trồng cây bóng mát được nhân rộng. Kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 54,7triệu đồng/năm (tăng 2,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã chỉ còn 34 hộ chiếm tỷ lệ 1,13% (giảm 14 hộ so với đầu năm 2022) và 65 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,06% (giảm 50 hộ so với đầu năm 2022).Việc phát triển các mô hình kinh tế gắn với du lịch, xây dựng thành công sản phẩm OCOP góp phần tích cực tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Chất lượng công tác y tế, giáo dục được nâng cao một cách toàn diện cả về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ đến chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, cũng như chất lượng công tác giáo dục và đào tạo ngày càng cao; Các hoạt động văn hóa, thể thao, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường được chú trọng; Công tác bảo vệ môi trường nông thôn mới được khởi sắc qua các phong trào "Sạch làng, đẹp ruộng", "Đoạn đường nở hoa", "Đoạn đường phụ nữ tự quản", "Đoạn đường an ninh tự quản"; Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố vững mạnh, công tác an ninh, quân sự được đảm bảo tốt, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Mỗi thôn xóm, mỗi đoàn thể đều có hoạt động cụ thể, thiết thực. Trong năm 2022 Đảng ủy giao cho MTTQ xã chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội chọn 1 thôn để làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, sáng, xanh, sạch, đẹp... Cấp ủy chi bộ cơ sở tăng cường lãnh đạo phát huy vai trò của "Tổ Covid cộng đồng", các mô hình xóm, ngõ, dòng họ, gia đình tự quản, an toàn trong phòng chống Covid19, góp phần tích cực xây dựng địa phương ngày càng phát triển và đổi mới.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, chủ động khai thác mọi tiềm năng và lợi thế của địa phương để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng nông thôn mới. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Hoàn thành tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hoài Thu