Uỷ ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra tuyên bố ngày 1/11 (giờ địa phương) cho biết, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ vẫn là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC). Đây được coi là mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này, Reuters đưa tin.
Mức cảnh báo PHEIC đối với dịch đậu mùa khỉ nhằm mục đích kích hoạt phản ứng phối hợp quốc tế và có thể thúc đẩy công tác tài trợ nhằm hợp tác chia sẻ vaccine và phương pháp điều trị dịch bệnh này trong bối cảnh dịch có dấu hiệu lây lan nhanh.
Vào tháng 7, WHO cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh chóng là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Kể từ tháng 1, WHO đã nhận được báo cáo về sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ từ 109 nước thành viên trên toàn bộ 6 khu vực của tổ chức này.
Logo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 20/12/2021. Ảnh: Reuters.
Theo báo cáo mới nhất của cơ quan này, tính đến ngày 31/10, đã có tổng cộng 77.264 ca được xác nhận mắc bệnh thông qua kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm, trong đó có 36 trường hợp đã tử vong.
Từ ngày 13/5, dịch bệnh đậu mùa khỉ đặc biệt lây lan nhanh tại những nước chưa từng ghi nhận ca mắc bệnh này.
Theo thông tin của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ, hiện nước này là nước có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới với 28.377 ca trong đó có 6 ca tử vong.
Việt Nam đã ghi nhận 2 ca bệnh đậu mùa khỉ nhập cảnh đã được kiểm soát và điều trị kịp thời không để lây lan.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM khuyến cáo, để an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của ngành y tế. Khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với ca nghi ngờ đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Bích Thảo (Theo Reuters)