Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vươn khơi, bám biển - Ngư dân không một ngày xa biển

(DS&PL) -

Bất chấp việc Trung Quốc có những hành động ngang ngược trên vùng biển Việt Nam và thường xuyên gây khó khăn cản trở nhưng ngư dân vẫn không chùn bước.

Từ ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 được hộ tống bởi nhiều tàu, có tàu vũ trang và máy bay quân sự đi vào vùng biển của Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan này trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bất chấp việc Trung Quốc có những hành động ngang ngược trên vùng biển Việt Nam và thường xuyên gây khó khăn cản trở nhưng ngư dân vẫn không chùn bước. Những chiếc tàu đánh cá vẫn thẳng tiến ra các ngư trường truyền thống từ thuở ông cha là Hoàng Sa, Trường Sa; vừa là tiếp nối cuộc mưu sinh như cách làm của muôn đời, vừa thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân không một ngày xa biển

Với mỗi ngư dân nói chung và ngư dân miền Trung nói riêng, biển khơi bao giờ cũng có sức hút mãnh liệt. Từ bao đời nay, biển cả như “ruộng”, như “vườn” của người nông dân và cũng là nơi hình thành phong cách và tâm hồn khoáng đạt, ăn sóng nói gió của người miền biển. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều hộ gia đình hoặc nhóm hộ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn, trang thiết bị ngư cụ đi biển hiện đại để không những đi biển dài ngày mà còn góp phần giữ gìn sự toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng mà cha ông để lại.

Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Nam. Ảnh: H.T

Đến xã Bình Minh, một xã ven biển của huyện Thăng Bình (Quảng Nam) khi ngư dân nơi đây hối hả cho những chuyến ra khơi khai thác vụ cá Nam năm 2014. Lão ngư Nguyễn Văn Triển, năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết: “Ngày tôi còn bé, cha tôi kể rằng, từ đời ông cố và những đời trước nữa, rồi đến đời ông nội của tôi, đời cha tôi đều mưu sinh bằng nghề biển. Các ngư trường từ Nam chí Bắc và xa hơn nữa là ngư trường các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa từ xa xưa đã in đậm dấu ấn của ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung và ngư dân tỉnh Quảng Nam nói riêng. Từ nhiều năm nay, đặc tính của từng vùng ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa tôi đều thuộc nằm lòng vì tôi đã có hơn 50 năm gắn bó máu thịt với các ngư trường này rồi”.

Khi biết thông tin về việc Trung Quốc đưa thiết bị giàn khoan Hải Dương - 981 vào hạ đặt trên vùng biển nước ta và gây nhiều khó khăn cho ngư dân các tỉnh miền Trung, lão ngư Nguyễn Văn Triển bức xúc: “Khu vực này là vùng biển của Việt Nam. Từ xa xưa đến nay, ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân các tỉnh miền Trung nói riêng đều coi vùng biển này là ngư trường truyền thống của mình. Đây không chỉ là ngư trường mà còn là “lối đi” trên biển để ngư dân đến những vùng biển ở xa hơn của Tổ quốc. Đây chính là những “bãi mía”, “ruộng lúa”, “nương dâu” của người dân vùng biển chúng tôi. Trung Quốc không có lý do gì để vào đây hạ đặt giàn khoan hay đưa tàu thuyền vào khi chưa có sự cho phép của Nhà nước Việt Nam. Tôi mong Đảng, Nhà nước cùng bà con ta kể cả những người làm ăn sinh sống ở ngoài nước kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức để buộc Trung Quốc rút giàn khoan và tàu thuyền ra khỏi vùng biển này của Việt Nam”.

Tiếp lời cụ Nguyễn Văn Triển, lão ngư Nguyễn Tráng cũng ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” khẳng khái: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi rất bất bình trước những hành vi ngang ngược, xem thường Luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi đưa giàn khoan thăm dò dầu khí (giàn khoan Hải Dương - 981) và bảy tám chục tàu thuyền các loại vào vùng biển của chúng tôi từ bao đời nay. Tôi tin rằng, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng cùng nhân dân cả nước sẽ có biện pháp đấu tranh để buộc Trung Quốc phải nhanh chóng rút hết người và phương tiện ra khỏi vùng biển này của Việt Nam.

Mấy năm trở lại đây, khi ra khơi hành nghề, ngư dân miền Trung thường không đi đơn độc như trước. Các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ ngư dân mỗi khi gặp nạn. Ngư dân các tỉnh miền Trung cũng thường tham gia nghiệp đoàn nghề cá và các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Điều này đã góp phần giúp ngư dân có thêm điều kiện để bám biển khơi xa dài ngày với phương châm hành động là: Nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, sáng tạo, liên kết chặt chẽ, làm chủ vùng biển, khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Vì vậy, trước hành động ngang ngược của Trung Quốc vừa qua, anh Nguyễn Tấn Hải, ngư dân chuyên hành nghề câu mực khơi ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bức xúc: “Việc làm của Trung Quốc là hết sức vô lý và ngang ngược. Ngư dân chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc đưa hết thiết bị và phương tiện ra khỏi ngư trường của chúng tôi”. Anh Hải quả quyết: “Cho dù Trung Quốc có cản trở và gây khó khăn, thậm chí là uy hiếp đến tài sản và tính mạng của chúng tôi như thế nào đi nữa thì ngư dân chúng tôi vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển, không một ngày xa biển, vì biển là không gian sinh tồn của chúng tôi và các thế hệ con cháu mãi về sau này”.

Vươn khơi bám biển, không một ngày rời xa biển không chỉ là mưu sinh mà còn góp phần giữ gìn và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Hồ Thanh Hưởng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh, huyện Thăng Bình kêu gọi bà con ngư dân: bên cạnh việc kịch liệt lên án các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, cần tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm bám sát ngư trường, vươn khơi bám biển dài ngày. Giữ gìn và bảo vệ biển chính là bảo vệ không gian sinh tồn của chúng ta.

Tin nổi bật