Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vui, buồn ngày Tết của đội lân Long Nhi Đường

(DS&PL) -

Tết đến, những thành viên của đội lân Long Nhi Đường không mơ quần áo đẹp, được đi chơi cùng gia đình, mà Tết là cơ hội trình diễn, khẳng định mình.

Tết đến, những thành viên của đội lân Long Nhi Đường không mơ quần áo đẹp, được đi chơi cùng gia đình, mà Tết là cơ hội trình diễn, khẳng định mình và có thêm thu nhập để trang trải chuỗi ngày dài sang năm.

Mái nhà chung của trẻ bụi đời

Hơn 10 năm qua, Long Nhi Đường là nơi quy tụ của những trẻ em cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn. Đội lân do anh Lê Văn Nam (27 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) làm Trưởng đoàn và được UBND quận 8 cho mượn căn nhà ở đường Lương Ngọc Quyến để sinh hoạt từ năm 2014. Hiện, Long Nhi Đường có 36 thành viên, bé nhỏ nhất mới 6 tuổi. Anh Nam kể: “Thời điểm lập đội lân, tôi mới 16 tuổi. Cũng như các em, 11, 12 tuổi tôi đi bụi đời và đụng việc gì làm việc đó. Để có cơm ăn, tôi đến nhà tình thương ở quận 5, nơi chuyên nấu cơm cho trẻ lang thang với giá 500 đồng/suất. Mỗi ngày, tôi cố gắng kiếm được 5.000 đồng, trong đó 3.000 đồng mua một ký gạo, 2.000 đồng mua nửa lít dầu hôi để phụ mẹ nuôi các em.

Anh Nam và các thành viên nhí có hoàn cảnh khó khăn trong đội lân Long Nhi Đường. 

“Ra đời sớm, năm 16 tuổi, tôi đã nếm và biết đủ cạm bẫy cuộc đời. Tôi sợ các bạn, các em nếu không có ai giúp đỡ sẽ sa vào cạm bẫy, tệ nạn xã hội. Tôi quyết định tập hợp các em thành một nhóm và đứng ra lo nơi ăn, chốn ở. Mất 2 năm trời, tôi mới thuyết phục và tập hợp được nhóm trẻ bụi đời này. Thế nhưng khi gom các em về một nhóm, tôi đối mặt với thử thách lớn nhất là tìm ra kế sinh nhai, nuôi sống bản thân, nuôi sống cả đội”.

Để các em không sa vào tệ nạn, Nam lập đội lân, vừa múa cho vui vừa biểu diễn kiếm tiền. Khổ nỗi, anh chưa từng được học về múa lân. “Thế là tôi dắt mấy đứa nhỏ đi học lén. Tôi biết có một đội lân tập luyện ở ngôi chùa gần nhà. Thế là, chúng tôi kéo nhau đến đó, đứng ngoài chùa xem người ta múa rồi học theo. Tôi cố gắng đi làm và dành dụm được chút tiền mua máy vi tính về mở các đoạn video múa lân cho các em xem rồi bắt chước. Tập mãi thành quen, chúng tôi cũng đi múa được và có người mời biểu diễn”, anh Nam kể.

Những mùa Tết không trọn vẹn

Để có thể sống bằng môn nghệ thuật này, anh Nam xin các thầy trong nhiều đội lân chuyên nghiệp dạy nghề. Sau khi thuần thục các động tác, kỹ thuật Long Nhi Đường đã tự tin tranh tài cùng những đoàn lân uy tín khác.

Anh Lê Văn Nam nhận nhiều bằng khen, giấy khen vì đã giúp đỡ, cưu mang nhiều trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

Anh Nam kể: “Mỗi năm, khi Tết đến, Xuân về, tôi đều cố gắng đưa các em tham gia những cuộc thi múa lân và có giải. Mỗi khi Xuân về là các em lại háo hức tập luyện để được đi thi, được chứng tỏ mình và có thêm thu nhập”. Ngoài múa lân để kiếm tiền, anh Nam còn định hướng các thành viên của đội phải đi học, không học chính quy thì học bổ túc, học xong phổ thông phải đi học nghề. Học phí do Nam và các anh lớn trong đội đã đi làm lo lắng cho các em nhỏ. Anh muốn các em lớn lên phải trở thành những công dân tốt dù quãng đời tuổi thơ đã trải qua những vết thương lòng khó phai. Nghe “ba Nam” nhắc đến ba mẹ, hai bé Lê Nguyên L., Lê Gia P. bỗng rưng rưng muốn khóc. Hai bé kể: “Hôm đó, mẹ gửi tụi con cho ba Nam nói là đi mua sữa. Thế rồi mẹ đi luôn không về nữa. Ba Nam đưa tụi con về đây ở. Anh em con được đi học, múa lân. Bây giờ, tụi con không buồn nữa. Ở đây vui hơn ở nhà”. Ngồi cùng bàn, bé Bùi Lê Minh K. cũng sụt sùi khi sớm phải rời xa bàn tay cha mẹ do cả hai vướng vòng lao lý. Tuy nhiên, sau ít phút, bé nói mình đang đợi đến Tết để được đi múa lân. “Con múa ông Địa. Ai cũng khen con múa hay. Con vui lắm. Con là ông Địa chính trong đoàn đó”, Khôi hồn nhiên khoe rồi lắc lư cái đầu biểu diễn những động tác múa ông Địa.

Tôi không kêu gọi sự giúp đỡ, bởi các em có khả năng kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân. Nhận nhiều sự giúp đỡ của mọi người, các em sẽ ỷ lại, không chịu vươn lên. Tôi muốn các em tự lực cánh sinh, vượt qua nghịch cảnh. Song, nhiều người thương các bé hay lén để gạo, nước mắm, dầu ăn... trước cửa nhà. Gạo nhiều quá, tôi không biết làm gì nên cùng các em nấu cơm chay từ thiện cho người nghèo ăn miễn phí. Khi các em được đi biểu diễn nhiều hơn, chúng tôi nấu thêm cơm cho bệnh nhân nghèo. Chính các em đem cơm đi phát. Từ đó, bọn trẻ được học thêm bài học làm người, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn hơn, bớt tự ti về bản thân.

Anh Lê Văn Nam


Hà Nguyễn

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5(21)

Tin nổi bật