Mới đây, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao bàn tán về một đám cưới ở tỉnh Quý Châu. Được biết, quà thách cưới và tục trao của hồi môn bắt nguồn từ phong tục hôn nhân của người Trung Quốc từ lâu đời, đặc biệt là ở vùng nông thôn, như một dấu hiệu của thiện ý từ gia đình chú rể.
Nhiều thập kỷ trước, quà thách cưới chỉ đơn thuần là một món quà tượng trưng, và có thể đơn giản là bình giữ nhiệt hoặc một số bộ ga gối. Sau này, nó trở thành "ba món quà" tiêu chuẩn gồm một chiếc đồng hồ, một chiếc xe đạp và một chiếc máy khâu. Vào những năm 1980, các món quà này trở thành các thiết bị điện như TV, tủ lạnh hoặc máy giặt.
Tuy nhiên, ngày nay, quà thách cưới tại Trung Quốc trở thành một yếu tố vô cùng xa xỉ.
Cũng giống nhiều gia đình khác, nhà cô Trần trước khi gả con cũng đưa ra điều kiện thách cưới. Sau khi chú rể cùng gia đình mang các đồ sính lễ gồm hiện vật và tiền đến nhà gái, họ hàng hai bên cùng gặp gỡ trong một căn phòng, khá đông đúc và náo nhiệt.
Điều đáng nói là không khí trong phòng không chỉ vui vẻ như các đám cưới thông thường mà còn có chút ngượng ngùng và bối rối như thể việc kết hôn này không phải chuyện vui vẻ gì.
Ánh mắt của mọi người đều hướng về phía bố mẹ cô dâu khi họ mang máy kiểm tra tiền và đếm sính lễ ngay trước mặt mọi người. Ảnh: Sohu.
Ánh mắt của mọi người đều hướng về phía bố mẹ cô dâu khi họ mang máy kiểm tra tiền và đếm sính lễ ngay trước mặt mọi người. Mỗi khi đếm xong một xấp tiền, chiếc máy sẽ báo số lượng vừa đếm.
Khi gặp vấn đề không thể nhận dạng được tờ tiền, máy sẽ phát ra thông báo: "Có vấn đề với tờ tiền”. Âm thanh này lan rộng khắp phòng khiến nó trở nên đặc biệt khó nghe. Nhà trai đứng một bên nhìn nhà gái đếm tiền sính lễ mà không nói một lời.
Nhà trai đứng một bên nhìn nhà gái đếm tiền sính lễ mà không nói một lời. Ảnh: Sohu.
Ngay sau khi đếm xong, người mẹ đã nói gì đó với cô dâu. Cô dâu lúc này liền đem những xấp tiền đã đếm vào hộp không chút khó xử, như thể đây là một phần của quá trình kết hôn.
Ngay sau khi câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội, một số cư dân mạng cho rằng đây giống như bán một con lợn chứ không phải là một cuộc hôn nhân.
"Như vậy khác nào nhà gái nói rằng họ nghi ngờ, không tin tưởng nhà trai. Cách cư xử này quả thực không ổn chút nào";
"Nếu cha mẹ thực sự yêu thương con gái mình thì họ đã không làm điều này";
"Được cả cô dâu cũng rất hợp tác cùng bố mẹ. Họ làm như mình đang bán con vậy. Sau khi đã nhận đủ tiền, nhà trai có thể đem cô dâu một đi không trở lại như mua một món hàng sao?";
"Ngày anh tôi lấy vợ, dì tôi khi sờ vào một phong báo thì thấy có gì đó không ổn nên sờ đi sờ lại mấy lần trước mặt nhiều người. Bố tôi khi biết chuyện liền mắng dì tôi một trận. Tiền bạc vốn là chuyện nhạy cảm mà bố mẹ cô dâu lại làm vậy trước hai bên gia đình", một số bình luận của cư dân mạng.
Trái lại, một số người lại ủng hộ việc này. Họ cho rằng thách cưới là truyền thống nhiều đời nay, việc đếm tiền chẳng có vấn đề gì. Thậm chí việc đếm công khai còn giúp tránh được những nghi ngờ, hiểu lầm sau này. Có người còn "hiến kế", cho rằng nếu nhà gái thực sự không tin tưởng được chú rể và gia đình thì có thể yêu cầu chuyển khoản.
"Ví dụ yêu cầu sính lễ là 150.000 nhân dân tệ thì chuyển khoản luôn 130.000, sau đó đặt 20.000 tiền mặt làm thủ tục. Như thế là nhà gái khỏi lo lắng tiền thiếu một xu hay có tiền giả."
Nhiều người biết đến Quý Châu là nơi rất chú trọng lễ nghi nhưng không ngờ lại có thể xảy ra điều này trong một đám cưới. Nhà gái có lẽ vì lo sính lễ bị thiếu hoặc có tiền giả nên nếu không đếm công khai, người bị thiệt chỉ có thể là họ. Vì vậy, họ không chỉ đếm tiền mà còn nhờ đến máy để soi tiền giả.
Trên thực tế, tại nhiều đám cưới, bên nhà gái sẽ cử người đến đếm sính lễ nhưng hiếm ai lại sử dụng máy đếm tiền như nhà gái này. Đây là đám cưới, sự kiện quan trọng trong đời của đôi trẻ chứ không phải kinh doanh nên việc dùng máy như vậy không phải là cách cư xử khéo léo.
Như Quỳnh (T/h)