"Vụ việc đã có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra cần xem xét khởi tố vụ án hình sự. Khi khởi tố trình tự điều tra sẽ tuân theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Từ đó cơ quan điều tra sẽ đưa ra kết luận nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan", Đại tá Sơn nhận định.
Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát Giao thông – C67- Bộ Công an) đã chia sẻ với VOV quan điểm về vụ xe khách đâm xe cứu hỏa xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ chiều 18/3.
Theo ông Trần Sơn, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ cho phép ô tô lưu thông với tốc độ cao nhất 100km/h. Theo kết quả điều tra sơ bộ ban đầu cho thấy, xe khách trong vụ tai nạn chạy khoảng 87km/h, ở điều kiện thời tiết có mưa nhỏ, mặt đường ướt, trơn trượt.
Đại tá trích nguồn Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định hơn 10 trường hợp lái xe phải giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm, có thể dừng lại được an toàn. Trong các quy định đó có trường hợp tầm nhìn hạn chế, trời mưa, mặt đường trơn trượt.
Căn cứ vào trường hợp cụ thể, đối với xe khách trong trường hợp này, dù cao tốc quy định tốc độ tối đa 100km/h thì vẫn phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn trong lưu thông.
Còn đối với xe cứu hỏa – đây là phương tiện được ưu tiên số 1 theo Điều 22, Luật giao thông đường bộ. Xe cứu hỏa được đi vào đường ngược chiều, đường cấm và không bị hạn chế tốc độ. Tuy nhiên, Đại tá Trần Sơn cho rằng, vì đặc điểm của cao tốc nên khi đi vào phải tuân thủ quy định về nhập làn đường.
Trong vụ tai nạn xảy ra chiều 18/3, xe cứu hỏa đã nhập làn bằng lối đi ra cao tốc chứ không phải là lối đi vào. Việc này không trái quy định của pháp luật.
Xe cứu hỏa bị đâm bẹp dúm sau vụ tai nạn. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Nhưng xe cứu hỏa nhập làn ở đường ra cao tốc là điều không thể ngờ. Về mặt chủ quan, lái xe khách không thể hình dung được xe cứu hỏa nhập vào cao tốc từ đường đó, lại đi vào làn đường số 1. Bởi vậy, có thể trong trường hợp này tài xế xe khách giật mình, không xử lý kịp.
Mặc dù vậy, theo ông Sơn, trong trường hợp này lái xe khách đã thiếu quan sát dẫn đến không làm chủ được tình huống, không thể biện minh là xe cứu hỏa xuất hiện đột ngột. Cùng với đó, ông Sơn cũng cho rằng lái xe cứu hỏa đã nhập làn cao tốc chưa cẩn thận, thiếu chú ý quan sát, không đi vào làn đường khẩn cấp ngay mà lại cho xe cắt chéo mặt đường, đi vào làn đường số 1 (làn xe lưu thông với tốc độ 100km/h).
Đại tá Trần Sơn cho rằng, đây là vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây ách tắc giao thông chính tuyến nhiều giờ, do vậy cơ quan điều tra của Công an TP Hà Nội phải vào cuộc điều tra.
Cơ quan điều tra phải làm rõ, trên cơ sở clip phải xem xe chạy trước xe khách có làm hạn chế tầm nhìn của tài xế hay không. Đồng thời cơ quan điều tra sẽ tính toán và trưng cầu giám định xem với khoảng cách, tốc độ xe khách thì có thể phát hiện xe cứu hỏa hay không.
Vụ việc đã có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra cần xem xét khởi tố vụ án hình sự. Khi khởi tố trình tự điều tra sẽ tuân theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Từ đó cơ quan điều tra sẽ đưa ra kết luận nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan./.
Cũng nêu lên quan điểm về vụ tai nạn nghiêm trọng trên, Tri thức trực tuyến dẫn lời luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng vì đang lúc làm nhiệm vụ xe cứu hỏa được phép di chuyển về tất cả các hướng và không hạn chế. Vì vậy, tài xế xe cứu hỏa không sai.
"Tuy nhiên, tài xế này sai trong nguyên tắc tham gia giao thông phải đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Nguyên tắc này liên hệ trong thực tiễn với hoàn cảnh là điểm giao ngã 3 để xe nhập hoặc rời đường cao tốc. Mà đường cao tốc thì có quy định tốc độ tối đa, không có đường giao cắt cũng như không phải giảm tốc đối với xe đang lưu thông thẳng khi gặp điểm rẽ.
"Khi đến điểm kết nối này, lái xe PCCC dù là xe ưu tiên, bật đầy đủ tín hiệu thì cũng phải quan sát mật độ, tình hình lưu thông để đảm bảo rằng khi tham gia giao thông sẽ an toàn tuyệt đối", luật sư Công phân tích.
Theo luật sư, trường hợp này, tài xế vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn chung vì đoàn xe ngược chiều kia không thể di chuyển tránh sang phần đường khác để nhường cho xe PCCC. Lúc này xe PCCC phải nhường hoặc giảm tốc tối đa, tức tìm mọi cách để lưu thông thật an toàn. Chứ không thể vì quyền ưu tiên của mình mà đâm bổ vào đoàn xe đang lưu thông.
Vi An (T/h)
Theo Tinnhanhonline