Nhiều tờ báo đã đăng tải thông tin Tòa án triệu tập lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược. Sự thật có phải như vậy?
Liên quan tới phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Buôn lậu”, “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty VN Pharma, vào ngày hôm qua (24/10) nhiều tờ báo đã đăng tải thông tin Tòa án triệu tập lãnh đạo Bộ Y tế, Cục dược và đại diện các đơn vị khác có liên quan.
Trong thời gian diễn ra phiên xét xử, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu việc đề nghị những người được triệu tập có mặt tại tòa, phục vụ cho công tác xét xử. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ rằng, cán bộ của Bộ Y tế không hợp tác.
Vậy trên thực tế thì những người được nêu tên tại tòa là “triệu tập” hay “mời”?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đã có những cán bộ của Bộ Y tế nhận được “Giấy mời” chứ không phải “triệu tập” như thông tin một số tờ báo đã nêu.
Cụ thể hơn, trong “Giấy mời” do Thẩm phán Phạm Công Mười – Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 20/10/2017, gửi tới ông Nguyễn Tất Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ghi rõ: “Kính mời ông Phan Công Chiến – Trưởng nhóm thẩm định pháp lý hồ sơ Cục Quản lý Dược: Đến dự phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Minh Hùng và các bị cáo khác bị xét xử về tội “Buôn lậu”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” vào lúc 8 giờ ngày 24/10/2017 tại Phòng xử A trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”.
Một trường hợp khác là Phan Công Chiến – Trưởng nhóm thẩm định pháp lý hồ sơ Cục Quản lý Dược cũng nhận được giấy mời có nội dung tương tự như ông Nguyễn Tất Đạt.
Ngoài những cán bộ ở cấp Cục, Vụ được mời tham dự phiên tòa thì không còn bất kỳ lãnh đạo nào ở cấp cao hơn được mời.
Giấy mời ông Phạm Tất Đạt đã bị nhiều tờ báo viết thành "Giấy triệu tập". |
Liên quan đến các quy định trong công tác tư pháp, nhiều luật sư cho biết, trong quá trình điều tra phục vụ cho công tác xét xử, những cá nhân hoặc đại diện cho tổ chức có liên quan có thể bị triệu tập để phục vụ công tác điều tra.
Kết thúc điều tra chuyển sang xét xử mà không xác định sự liên quan trực tiếp, có trách nhiệm trực tiếp của một cá nhân nào đó, hoặc cá nhân đại diện cho tổ chức đó thì không được phép triệu tập, mà đó phải là “Giấy mời”.
Đây là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, tòa án cơ quan tiến hành tố tụng nói chung mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc. Trong trường hợp vì một lý do nào đó khó khăn trong công việc hoặc di chuyển thì người được mời có quyền không đến dự.
Còn đối với người được triệu tập có quyền yêu cầu Công an cho xem Quyết định khởi tố vụ án Hình sự, thông báo rõ tư cách tham gia tố tụng của mình là gì, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng riêng theo từng loại tư cách tham gia, và ghi rõ vào biên bản làm việc.
Các luật sư khẳng định, nếu triệu tập không đúng luật, người được triệu tập có quyền từ chối và việc dẫn giải trong trường hợp này là trái luật. Việc lạm dụng "Giấy triệu tập" gây ra tổn hại danh dự của cá nhân, tổ chức cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật.
Giấy mời tham dự phiên tòa gửi tới ông Phan Công Chiến. |
Các lô thuốc kém chất lượng có được ngăn chặn kịp thời?
Trước đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ vào cuối tháng 8/2017, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Viết Tiến khẳng định, lô thuốc chữa ung thư kém chất lượng đã được ngăn chặn kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Về vấn đề thuốc H-Capita là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng, các cơ quan chức năng đã có kết luận theo thẩm quyền về việc này.
Xét về góc độ chuyên ngành, Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita không phải là thuốc giả.
Vụ việc xảy ra năm 2014, khi Luật Dược 2005 đang có hiệu lực (Luật Dược 2016 có hiệu lực từ 1/1/2017).
Theo quy định tại Khoản 24 Điều 2 Luật Dược 2005 thì thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây:
Không có dược chất (Thuốc H-Capita có dược chất Capecitabine); Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký (hàm lượng dược chất theo kết quả giám định là 97,5% trong khi tiêu chuẩn chất lượng cho phép không thấp hơn 93% và không lớn hơn 105%);
Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn (Thuốc H-Capita có chứa dược chất Capecitabine như ghi trên nhãn);
Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác (Thuốc H-Capita không mạo tên hay kiểu dáng công nghiệp của thuốc nào đã đăng ký sở hữu công nghiệp của cơ sở khác).
Khoản 23 Điều này quy định “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, Cục Quản lý dược chính là đơn vị phát hiện dấu hiệu nghi ngờ và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế chủ động đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, sau đó tiếp tục hợp tác với cơ quan công an trong quá trình trước và sau khi khởi tố, điều tra vụ án.
Trong quá trình điều tra đã tích cực cung cấp tài liệu chuyên môn phục vụ điều tra đầy đủ.
Tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, một lần nữa đặt ra câu hỏi: Những thuốc này đã được nhập khẩu vào Việt Nam chưa? Bán ra thị trường chưa?
Cục Quản lý Dược cho biết, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan và kiểm tra của Cục Quản lý Dược, chưa có lô thuốc nào của 07 thuốc trên được nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó cũng không có lô thuốc nào được bán trên thị trường.
Việc phát hiện lô hàng H-Capita này như thế nào? Ai báo cơ quan công an? Lô thuốc nhập khẩu về đã được bán ra thị trường chưa?
Cục Quản lý Dược cho biết, ngày 30/12/2013 đã có Công văn số 22113/QLD-KD gửi Công ty Cổ phần VN Pharma trong đó đồng ý để Công ty VN Pharma nhập khẩu 01 thuốc (H-Capita) tại Đơn hàng số 225/ĐH/VNP-XNK ngày 16/10/2013.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 50 ngày 30/12/2011 của liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện quản lý giá thuốc dùng cho người thì sau khi nhập khẩu và trước khi lưu hành thuốc trên thị trường công ty phải thực hiện kê khai giá thuốc.
Qua xem xét, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế nhận thấy giá thuốc H-Capita kê khai và giá trúng thầu tại Hội đồng đấu thầu thuốc của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn các thuốc cùng loại được sản xuất từ các nước thuộc hệ thống hợp tác về thanh tra trong lĩnh vực thực hành tốt sản xuất thuốc (PIC/s) mà Canada là một thành viên nên Cục Quản lý Dược đã có nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của thuốc H-Capita và đã mời đại diện Công ty tham dự buổi làm việc vào ngày 31/7/2014 (Biên bản làm việc số 129/QLD-BBLV).
Do giải trình của của công ty chưa thỏa đáng nên ngày 1/8/2014, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 13134/QLD-KD yêu cầu Công ty tạm ngừng, không tiếp tục nhập khẩu và lưu hành thuốc H-Capita (tức là không cho phép bán thuốc H-Capita bán ra thị trường).
Ngày 8/8/2014, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 13499/QLD-KD gửi Tổng Cục An ninh II - Bộ Công An đề nghị phối hợp xác minh thông tin liên quan đến thuốc H-Capita.
Bộ Y tế đã liên hệ với Đại sứ quán Canada, Bộ Y tế Canada đề nghị phối hợp xác minh để làm rõ các thông tin liên quan đến các giấy tờ pháp lý của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada.
Để củng cố thêm thông tin, ngày 13/8/2014, Cục Quản lý Dược tiếp tục mời đại diện tại Việt Nam của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada làm việc Cục Quản lý Dược (Biên bản làm việc số 153/QLD-BBLV).
Sau buổi làm việc, Cục Quản lý Dược đã có Quyết định số 438/QĐ-QLD ngày 13/8/2014 thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định pháp luật về xuất nhập khẩu và kinh doanh thuốc của Công ty Cổ phần VN Pharma.
Ngày 14/8/2014, Đoàn kiểm tra với sự tham gia của Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành niêm phong toàn bộ số thuốc H-Capita (278.670 viên) có tại Công ty Cổ phần VN Pharma đồng thời tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra chất lượng.
Ngày 17/9/2014, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao có Công văn số 2824/CV-LS-HPH thông báo nội dung, con dấu và người ký có tên là Tham tán Nguyễn Văn Quyền, hợp pháp hóa lãnh sự trên giấy tờ FSC, GMP... của thuốc H-Capita do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất là không đúng.
Cục Quản ý Dược - Bộ Y tế đã chuyển toàn bộ thông tin cho Cục A83 - Tổng Cục An ninh II – Bộ Công An để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Và theo cáo trạng của Viện kiểm sát, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã chủ động phát hiện, có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, đồng thời chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra thông qua việc cung cấp đầy đủ hồ, tài liệu, thông tin đầy đủ, trung thực và hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công tác điều tra.
Ngoài ra, theo kiến nghị của Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an thì việc xử lý trách nhiệm, Cục Quản lý Dược đã thực hiện việc luân chuyển lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý Dược, thay thế và bổ sung các chuyên gia thẩm định:
Ông Nguyễn Tất Đạt thôi phụ trách Phòng Quản lý kinh doanh dược, ông Phan Công Chiến thôi không làm Nhóm trưởng Nhóm thẩm định pháp chế thuộc Tổ Chuyên gia thẩm định hồ sơ nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký, bà Lê Thúy Hương không được phân công tham gia thẩm định bất kỳ loại hồ sơ nào tại Cục Quản lý Dược, thay thế, bổ sung chuyên gia thẩm định nhóm pháp chế và nhóm tiêu chuẩn chất lượng.
Cắt tất cả các danh hiệu thi đua đối với tập thể và cá nhân có liên quan thuộc Phòng Quản lý Kinh doanh Dược - Cục Quản lý Dược.
Xử lý hành chính, yêu cầu các cán bộ liên quan và chuyên gia thẩm định báo cáo, giải trình và nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Tập huấn cán bộ, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho chuyên gia thuộc tổ thẩm định: Ngày 29/8/2014, mời chuyên gia của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp tập huấn cho các cán bộ của Cục Quản lý Dược, các chuyên gia thẩm định về công tác hợp pháp hóa lãnh sự, phục vụ cho công tác tác nghiệp và thẩm định hồ sơ.
Điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng quy định minh bạch, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với nhập khẩu thuốc tại Luật dược 2016 (được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016) và Nghị định số 54/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.
Nguyễn Hà (T/h)