Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ việc bác sĩ viện E vào nhà nghỉ: Từ lá thư của một người vợ

(DS&PL) -

Vừa qua, ban biên tập đã nhận được lá thư của bà T.V.A - vợ bác sĩ L.Q.V liên quan tới vụ việc “bị bắt tại nhà nghỉ” đăng trên một số tờ báo vừa qua.

Vừa qua, ban biên tập đã nhận được lá thư của bà T.V.A - vợ bác sĩ L.Q.V liên quan tới vụ việc “bị bắt tại nhà nghỉ” đăng trên một số tờ báo vừa qua.

Vấn đề không chỉ còn là chuyện một bác sĩ có vi phạm đạo đức hay không mà còn là hình ảnh của người thầy thuốc trước công chúng cũng như tôn trọng nguyện vọng của bạn đọc trước hạnh phúc gia đình, nhóm PV đã tiến hành tìm hiểu sự việc.

Bản tường trình của ông V. và bức thư của vợ ông gửi ban biên tập.

Xin không nói lại hay tóm tắt các bài báo về chuyện một bác sĩ “bị bắt (hay bị phát hiện) trong nhà nghỉ”.

Lá thư của bà T.V.A có câu: “Tôi biết câu chuyện của chồng tôi khi có ai đó đã báo cho tôi biết” ở đoạn đầu và câu: “Trong cuộc sống nên xử sự một cách có văn hóa tất cả mọi việc.

Nếu mất niềm tin thì chúng ta xây dựng xã hội bằng gì?” ở đoạn cuối khiến nhóm PV không khỏi trăn trở (xin đăng nguyên văn bức thư).

Người đầu tiên chúng tôi gặp là bác sĩ L.Q.V. Ông chỉ nói ngắn gọn là bệnh nhân cũ của ông, cũng là người quen từ nơi khác về Hà Nội, sau khi dự cưới về bị nôn, đau bụng, nhức đầu đã vào nhà nghỉ và báo địa chỉ nhờ bác sĩ tới chữa.

Sau khi vào phòng bệnh nhân cũ khoảng 10 phút thì có nhiều người mặc thường phục nói là công an vào kiểm tra. Khi đó: “Tôi vẫn đang ngồi trên ghế, quần áo đàng hoàng, cửa không cài khóa, còn cô ấy đang nôn trong nhà vệ sinh”, ông cho hay.

Với lý do người phụ nữ trong phòng không phải là vợ, là mẹ nên phải lập biên bản và yêu cầu lãnh đạo cơ quan đến bảo lãnh.

Tới 14h30, bệnh viện đã cử 5 người gồm Phó Giám đốc phụ trách, Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp và Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh tới bảo lãnh.

Để làm rõ chuyện bác sĩ V. có hành vi phạm pháp hay đạo đức trong nhà nghỉ, chúng tôi điện thoại xin gặp TS. Lê Ngọc Thành - Phó Giám đốc phụ trách, được ông giới thiệu tới gặp bác sĩ Vũ Quang Vinh - Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy thay mặt Ban Giám đốc nói về vụ việc.

Câu hỏi đầu tiên mà nhóm PV muốn biết là hiện trường tại phòng trong nhà nghỉ. Ông Vinh nói:

- Như tôi với anh ngồi với nhau thế này, còn cô ta đang trong nhà vệ sinh...

- Vậy biên bản phạm pháp hay vi phạm hành chính quả tang khiến lãnh đạo phải ra bảo lãnh, thưa ông? Và giấy bảo lãnh làm sao có dấu khi đấy không phải là bệnh viện?

- Lý do là cô ấy không phải là vợ, là mẹ hay chị em thân thích! Biên bản công an lập anh Thành (Phó Giám đốc phụ trách) giữ! Còn giấy bảo lãnh thì có người về lấy dấu!

- Ông được ủy nhiệm thay mặt Ban Giám đốc tiếp báo chí về vụ này nhưng lại không có văn bản liên quan trong tay?

- Tôi chỉ là Phó Giám đốc!

- Với một vụ việc nhỏ thế này có cần đến 5 lãnh đạo BV có mặt, đặc biệt người đứng đầu là Phó Giám đốc phụ trách và Bí thư Đảng ủy?

- Lãnh đạo phân công, điều động phải thực hiện chứ!

Chuyện ông V. có mặt trong nhà nghỉ đã rõ, điều chúng tôi quan tâm là hành vi nào của ông V. trong nhà nghỉ là “hành vi vi phạm” lại không thể tìm ra. Đến Công an phường Cổ Nhuế 1 tìm hiểu hiện trường, các anh bảo phải xin ý kiến quận.

Gọi điện lên Công an quận được đồng chí Trưởng Công an quận thông báo vụ việc thuộc địa bàn phường Cầu Giấy. Tìm mấy phường gần phố có nhà nghỉ trên cũng chả ai hay.

Bí quá, nhóm PV điện thoại hỏi Công an TP. Hà Nội nhờ giúp tìm hiểu hiện trường và đơn vị tham gia vụ “tạm giữ” này để tìm đến nhưng được một đồng chí có trách nhiệm của một phòng nghiệp vụ khẳng định: “Công an Hà Nội không làm vụ này!”.

Video tham khảo:

Bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn bị côn đồ hành hung

Chuyện kiểm tra hành chính là bình thường nhưng dư luận mà thông tin “chưa đâu vào đâu” như lời bác sĩ Vũ Quang Vinh - Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy nói càng làm chúng tôi băn khoăn.

Và lá thư của bà T.V.A. trước một sự việc khá tù mù được công bố rộng khắp và nhanh nhạy cũng là nỗi nhức nhối của cả xã hội khi “Nếu một công dân vi phạm luật ở mức độ nào thì xử ở mức độ đó, không vì một lý do nào khác mà xử sai hay làm tan vỡ hạnh phúc của người đó”.

Đã có chuyện một cán bộ quan hệ với gái mại dâm trong vụ Đường Sơn quán trước đây bị thông tin rộng khắp khiến con gái ông này phải tự tử. Ở chuyện “Bác sĩ V. vào nhà nghỉ” này lại chưa rõ hành vi vi phạm đã được phát tán rộng khắp càng là chuyện không nên.

Chúng ta kiên quyết chống lại mọi biểu hiện phạm pháp và suy thoái đạo đức, nhất là trong đội ngũ y tế được nhân dân kính trọng gọi là thầy thuốc.

Tuy nhiên, chống phải cụ thể với hành vi vi phạm để mọi đối tượng phải tâm phục khẩu phục và tạo được lòng tin trong dân. Bên cạnh đó, những thông tin nhạy cảm cần được tính toán khi thông tin cho báo chí.

Thông tin chưa rõ về mặt vi phạm càng phải cẩn trọng hơn bởi sau nó không chỉ là một cá nhân mà còn là cả hạnh phúc, sự bình yên của một gia đình và niềm tin của cộng đồng đối với đội ngũ thầy thuốc.

Kính gửi Ban biên tập,

Tôi là T.V.A, một cán bộ làm trong môi trường giáo dục, vợ bác sĩ L.Q.V., Bệnh viện E mà báo chí đang đăng tải.

Tôi có lẽ là người chịu áp lực nhất sau chồng tôi khi sự việc xảy ra. Tôi gửi tới quý báo sự suy nghĩ của mình vì quý báo thường nói đến ngành y.

Tôi biết câu chuyện của chồng tôi khi có ai đó đã báo cho tôi biết. Tôi nhận tin đó thấy đắng lòng. Tôi gắng chịu đựng chờ chồng về để hỏi cho rõ. Chồng tôi thường ngày về rất muộn, khoảng 21 giờ vì anh ấy đang học, hôm đó cũng vậy. Tôi hỏi chuyện đó. Anh ấy nói: Có sự việc đó như vậy và kể cho tôi câu chuyện xảy ra và nói rằng:“Chắc em không tin, nhưng chỉ có vậy, phải chờ kết luận thôi em à. Bọn trẻ biết thì gay”.

Chúng tôi cưới nhau đã 18 năm. Tôn trọng nhau. Hiểu công việc của nhau. Chúng tôi thường chia sẻ thông tin về bạn bè thân của nhau giữa hai bên cơ quan. Tất cả các anh chị bên bệnh viện mà chồng tôi quý mến tôi đều biết và nhiều lần đến chơi. Chúng tôi không hay bàn luận các công việc của cơ quan.

Trước khi xảy ra sự việc, tôi đã chuẩn bị mọi thứ cho chồng để anh ấy đi công tác Hà Giang 5 ngày. Nhưng khi sự việc xảy ra, anh được yêu cầu ở lại. Tôi đề nghị chồng tôi đưa tôi đến bệnh viện để chia tay đoàn và tặng quà cho bệnh nhân ở Hà Giang (khoảng 4 giờ 30 sáng hôm sau). Hôm đó chồng tôi vẫn đi làm như bình thường. Hôm sau, báo chí đưa tin dù bản tường trình của chồng tôi vẫn chưa viết.

Là vợ một bác sĩ, sống trong gia đình toàn bác sĩ, tôi thấy hạnh phúc vì gia đình chồng mình làm nghề y. Tôi cũng hết sức chia sẻ vì sức ép của nghề y và sự học hành quá lâu, quá dài.

Sau hai ngày để xem các báo, lắng nghe các thông tin đa chiều, tôi xin phép chồng tôi cho tôi gặp lãnh đạo bệnh viện để nói lên chính kiến của mình. Tôi được gặp 2 đồng chí lãnh đạo cao nhất của bệnh viện. Tôi có nêu:

1. Tôi tin tưởng vào chồng tôi, dù có thế nào gia đình tôi vẫn giữ được hạnh phúc.

2. Nếu vì sự giúp đỡ cho ai đó, nhất là về y tế dù ở đâu, hoàn cảnh nào, thời gian nào tôi cũng đồng thuận để chồng tôi giúp.

3. Chồng tôi có quá nhiều bệnh nhân, cô gái đó là bệnh nhân cũ và cũng là người quen của vợ chồng tôi đã lâu.

4. Nếu một công dân vi phạm luật ở mức độ nào thì xử ở mức độ đó, không vì một lý do nào khác mà xử sai hay làm tan vỡ hạnh phúc của người đó.

5. Trong cuộc sống, nên xử sự một cách có văn hóa tất cả mọi việc. Nếu mất niềm tin thì chúng ta xây dựng xã hội bằng gì?

Vì sự việc này, tôi cũng đau lòng, mất ngủ, ảnh hưởng đến công việc. Là một phụ nữ, tôi viết sự suy nghĩ của mình gửi tới quý báo, không biết tôi làm thế có đúng không? Đồng thời tôi cũng góp thêm tiếng nói của một người phụ nữ, của một người vợ bác sĩ, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Kính chúc quý báo mạnh khỏe.

Hà Nội, ngày 29/11/2014

Người viết

T.V.A

THEO SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG

Tin nổi bật