Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ thuyền viên bị "tố" quay lén khách du lịch tắm: Đang khôi phục dữ liệu trên điện thoại để điều tra

(DS&PL) -

Ngay sau khi hành vi quay lén bị phát hiện, thuyền viên đã xóa dữ liệu trên điện thoại. Vì vậy, cơ quan điều tra đang khôi phục lại dữ liệu để làm rõ hành vi, mục đích.

Ngay sau khi hành vi quay lén bị phát hiện, thuyền viên đã xóa dữ liệu trên máy điện thoại. Vì vậy, cơ quan điều tra đang khôi phục lại dữ liệu trên điện thoại để làm rõ hành vi, mục đích vi phạm.

Zing.vn đưa tin, Công an TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đang điều tra T.V.H. (trú tại xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) về hành vi sử dụng điện thoại quay lén du khách tắm tráng trên tàu du lịch Hùng Long mang số hiệu QN-6096.

Cũng theo nguồn tin trên báo này, ngay sau khi hành vi quay lén bị phát hiện, H. đã xóa dữ liệu trên máy điện thoại. Vì vậy, cơ quan điều tra đang khôi phục lại dữ liệu trên điện thoại của H. để làm rõ hành vi, mục đích vi phạm.

"Chúng tôi đang khôi phục lại toàn bộ dữ liệu để xem video đối tượng quay có những ai, có phụ nữ hay không?”, Zing.vn dẫn lời lãnh đạo Công an TP. Hạ Long cho biết.

Tàu Hùng Long 66 đã bị đình chỉ hoạt động chở khách trên vịnh Hạ Long từ 15/7 - Ảnh: Thanh Niên

Liên quan đến vụ việc này, trước đó, trao đổi trên Dân trí, bà Lê Thị Hương (chủ tàu Hùng Long) – đơn vị có thuyền viên bị khách “tố” sử dụng điện thoại quay lén khi đang tắm tráng cho biết, sự việc xảy ra vào chiều 13/7, một đoàn khách đi từ Hà Nội, mua vé tham quan Hạ Long. Sau khi tắm biển trên đảo Titop, khách về thuyền tắm tráng thì phát hiện ra sự việc.

“Bản thân tôi lúc đó không có mặt trên thuyền mà chỉ có nhân viên. Tôi cũng không được xem đoạn video nên không rõ sự việc cụ thể thế nào. Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh, tôi đã gặp khách tại bến cảng, trực tiếp xin lỗi”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, đây là sự việc rất đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của tất cả thuyền viên, cán bộ tàu Hùng Long. Thuyền viên T.V.H. - người bị tố có hành vi đặt camera điện thoại quay lén, đã có kinh nghiệm làm việc một năm, được ký hợp đồng chính thức với công ty. Từ khi được nhận vào làm, thuyền viên này cũng chưa hề bị khách phàn nàn về thái độ hay cung cách làm việc.

“Đây là sai phạm cá nhân, bạn thuyền viên này tự sử dụng điện thoại của mình, hành động này có thể là do bộc phát. Nếu tôi xuống tàu, tôi cũng thường xuyên phải sử dụng nhà vệ sinh này, vì thế bản thân chúng tôi không bao giờ ủng hộ và cũng không đặt bất cứ thiết bị quay lén nào trên tàu”, bà Hương nói.

Trước đó, theo TTXVN, ngày 15/7, UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) ra văn bản từ chối cấp phép, rời cảng, bến và đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long đối với tàu Hùng Long 66 QN-6096, do nhân viên của tàu có hành vi không chuẩn mực, ghi hình khách du lịch đang tắm tráng trên tàu.

Thời gian từ chối cấp phép từ ngày 15/7 đến khi có văn bản chấp thuận hoạt động trở lại của UBND TP Hạ Long.

Theo đó, ngày 13/7, UBND thành phố nhận được phản ánh của đoàn khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long trên tàu Hùng Long 66QN-6096. Theo đó một thành viên trong đoàn phát hiện thuyền viên T.V.H. sử dụng camera điện thoại quay lén khách du lịch đang tắm tráng trên tàu.

Ngay sau khi nhận được thông tin, thành phố đã yêu cầu bà Lê Thị Hương (chủ tàu) dừng hoạt động tàu du lịch và phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ hành vi vi phạm đặc biệt liên quan đến đạo đức của nhân viên tàu du lịch.

Công an TP. Hạ Long đang chủ trì cùng các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Phân tích về khía cạnh pháp lý, luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý dẫn quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, được quy định như sau: "Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác".

Theo ông Lê Văn Kiên, sinh hoạt cá nhân (tắm rửa, thay quần áo…) là đời sống riêng tư của mỗi cá nhân được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra. Vì vậy, sinh hoạt cá nhân được hiểu là bí mật đời tư của mỗi cá nhân. Theo quy định trên, sinh hoạt cá nhân của mỗi người được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố tư liệu về sinh hoạt cá nhân của người khác phải được sự đồng ý của họ.

"Vì vậy, người có hành vi quay trộm cảnh sinh hoạt cá nhân của người khác là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bí mật đời tư", luật sư Kiên nói.

Luật sư Kiên phân tích thêm, về dân sự: Người có hành vi xâm phạm, gây ra thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị xâm hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Còn về xử lý hành chính, luật sư Kiên dẫn khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013, người nào thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật