(ĐSPL) - Bằng chiêu “hô biến” thịt lợn sề thành thịt bò ở làng giết mổ lợn Lỗ Xá (xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên), các hộ kinh doanh có thể kiếm được siêu lợi nhuận, trong khi người tiêu dùng vừa bị móc túi, vừa “xơi” vào người không biết bao nhiêu hóa chất độc hại.
Khi được hỏi về vấn đề này, Chủ tịch xã vẫn khẳng định là không có chiêu làm ăn giả dối đánh lừa người tiêu dùng ở các hộ dân hành nghề ở lò mổ lợn của Lỗ Xá.
Nguy cơ tiềm ẩn từ thịt lợn sề hết “đát”
Như chủ lò mổ HT ở thôn Lỗ Xá tiết lộ thì nguồn thịt lợn sề luôn sẵn có, không bao giờ lo thiếu. Lợn sề thải được xuất từ các trang trại nuôi lợn lớn ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam…Thậm chí, lợn sề hết “đát” từ trong miền Nam cũng được chuyển ra và tập trung về đây.
Theo PV tìm hiểu ở một số trang trại thì các loại lợn sề này sau khi hết khả năng sinh đẻ, hoặc sau những lần thay đàn thì sẽ được “thổi” bằng các loại thức ăn công nghiệp để đạt được trọng lượng tối đa, sau đó xuất chuồng. Chủ một trại nuôi lợn cho biết: “Nếu theo đúng quy trình thì khi chuẩn bị cho lợn xuất chuồng cần cho lợn dừng ăn các loại thức ăn chế biến công nghiệp ít nhất nửa tháng đến một tháng. Thay vào đó, cho lợn ăn bằng thức ăn hữu cơ nhằm giúp lợn đào thải các hóa chất độc hại có trong thức ăn công nghiệp ra. Nhưng làm như vậy lợn sẽ không tăng trọng lượng, thậm chí còn giảm cân. Mà như vậy cũng tốn thêm thời gian cũng như chi phí thức ăn. Vì thế chẳng ai dại gì tuân theo quy trình nuôi bài bản mà xuất chuồng luôn khi lợn được vỗ béo tối đa”.
Theo một chuyên gia về hóa thực phẩm, nếu được nuôi theo quy trình trên, thịt lợn sẽ chứa cả các chất tăng trọng chưa được đào thải hết. Nếu người dùng ăn phải sẽ có nguy cơ hấp thu các loại hóa chất này. Hơn nữa, điều dễ thấy là nếu thịt lợn sề làm giả thịt bò, có thể nhiều người ốm, suy nhược cơ thể ăn phải loại thịt này sẽ không đủ chất. Các bà mẹ muốn dùng thịt bò bồi bổ cho con theo chế độ dinh dưỡng nhưng mua phải loại thịt này cho trẻ ăn thì con cũng sẽ bị mất cân bằng dinh dưỡng.
Thêm nữa, vị chuyên gia này cũng cho rằng, để làm giả thành thịt bò thì thương lái sẽ phải “ngâm tẩm” hóa chất vào thịt lợn sề, do vậy loại thịt “giả bò” này không thể an toàn với người tiêu dùng được.
Chính quyền và ngành nông nghiệp “đá bóng” trách nhiệm
Chiêu kinh doanh đánh lừa người tiêu dùng nói trên, theo lời của chính người trong cuộc, thì đã diễn ra cả chục năm nay. Vậy các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng quản lý kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng nói gì về vấn nạn này?
Theo quy định hiện hành thì việc quản lý các loại mặt hàng tươi sống ở huyện Mỹ Hào là trách nhiệm của phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, thuộc UBND huyện. Tuy nhiên, khi PV đến liên hệ phỏng vấn thì Chánh văn phòng UBND huyện Mỹ Hào, ông Nguyễn Văn Đông giới thiệu chúng tôi về UBND xã, với lý do “Huyện đã ủy quyền cho xã về vụ việc”.
|
Ông Nguyễn Bá Nam, Chủ tịch xã Nhân Hòa vẫn khẳng định là từ trước đến nay chưa nghe có chuyện làm giả thịt bò ở làng Lỗ Xá. Ảnh Hoàng Minh. |
Tại UBND xã Nhân Hòa, Chủ tịch xã - ông Nguyễn Bá Nam khi được hỏi khẳng định rằng: “Việc lấy thịt lợn giả làm thịt bò ở làng Lỗ Xá này hoàn toàn không có, chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy ở đây làm thịt bò giả cả”. ông Nam cho biết: “Cả làng Lỗ Xá có tất cả 38 hộ hành nghề giết mổ lợn, trong đó có khoảng 15 - 16 hộ làm nghề mổ lợn sề. Họ bán trực tiếp ở đây và công khai là thịt lợn sề chứ không phải là bán thịt bò giả. Còn việc các thương lái họ lấy buôn thịt lợn sề rồi đi giao các nơi khác, rồi bảo là thịt bò thì làm sao chúng tôi biết được?”.
Khi PV đưa ra các bằng chứng chính người giết mổ có chủ định bán thịt “giả bò”, ông Nam vẫn khẳng định là việc này chưa hề được biết, bây giờ mới nghe. ông Nam nói: “Sẽ cho kiểm tra lại, nếu có sẽ xử lý các hộ vi phạm chứ không bao che”. Như vậy là việc buôn bán thịt lợn giả bò đã diễn ra hàng chục năm mà chính quyền sở tại vẫn không hề hay biết.
Cần xử lý về hành vi “sản xuất hàng giả”
Trao đổi với PV báo Công Lý Trái Tim, luật sư Vũ Văn Thành - Trưởng văn phòng công ty cổ phần Luật Việt (Hà Nội) cho biết, việc làm thịt bò giả kiếm lời nêu trên là hành vi “sản xuất hàng giả” theo Nghị định 185, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cũng theo luật sư Thành thì việc xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả lừa người tiêu dùng sẽ căn cứ vào Điều 11, 12, 13, 14 Nghị định 185. Cụ thể: “Đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d Khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau: Mức Phạt tiền thấp nhất là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng. Cao nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, Nghị định 185 quy định đối với hành vi làm hàng giả là thực phẩm như trường hợp sản xuất thịt “giả bò” ở Lỗ Xá, tiền phạt sẽ bị tăng gấp hai lần nhằm tăng tính răn đe.
Ngoài các chế tài trên, theo luật sư Thành còn có các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng… Biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này; buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, để móc túi người tiêu dùng, các lò mổ - thương lái - các quán ăn đã bắt tay với nhau. Thịt lợn sề chỉ bán với giá 65.000 đồng tại cửa lò mổ, nhưng nếu chủ lò “phù phép” thành thịt “giả bò” thì sẽ bán được với giá trung bình 130.000 đồng/1kg. Tiếp đến, khi được các tiểu thương nhập vào, loại thịt này sẽ được bán tới tay người tiêu dùng với giá trung bình là 240.000 – 250.000 đồng/kg, người bán cũng sẽ thu lãi “một gấp đôi”. Nếu được các quán ăn “nhập tận gốc”, thịt “giả bò” sẽ giúp giảm được chi phí rất lớn. Ai cũng có lợi chỉ trừ người tiêu dùng khi bỗng dưng mất gấp 3 thậm chí gấp 4 lần số tiền đáng phải bỏ ra để “xơi” thịt lợn sề.