(ĐSPL) - Tòng bị tuyên phạt 18 tháng tù về “Dùng nhục hình”, không chấp nhận bản án, Tòng kháng cáo. Tuy nhiên, trong phiên xử ngày 15/12 Tòng đã vắng mặt không lý do.
Theo báo Công lý, ngày 15/12, TAND cấp cao tại TP.HCM đưa bị cáo Huỳnh Ngọc Tòng (sinh năm 1975, nguyên Thiếu tá, Đội phó Đội điều tra Công an TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) ra xét xử về tội “Dùng nhục hình”.
Trong phần thẩm tra tư pháp, thư ký phiên tòa cho biết thành phần tham dự phiên tòa thiếu vắng bị cáo Huỳnh Ngọc Tòng. Tòng cũng chính là người đã kháng cáo kêu oan (hiện bị cáo Tòng đang được tại ngoại hầu tòa). HĐXX đã hội ý và nhanh chóng cho phiên tòa tạm hoãn, thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Trước đó, vào ngày 17/5, ông Tòng bị TAND tỉnh Đồng Tháp xử sơ thẩm, tuyên phạt 18 tháng tù với tội danh “Dùng nhục hình”.
Cùng bị tuyên chung án sơ thẩm là ông Phạm Xuân Bình (sinh năm 1985, nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra Công an TP.Cao Lãnh, 11 tháng 11 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam).
Sau bản án sơ thẩm, ông Tòng kháng cáo kêu oan.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: báo Dân trí |
Như báo Lao động đã đưa tin, ngày 16/11/2012, Nguyễn Tuấn Thanh (SN 1986, ngụ xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), bị Công an TP.Cao Lãnh bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. 20 giờ cùng ngày, Tòng tiến hành lấy lời khai Thanh tại phòng làm việc của Đội tố tụng Công an TP.Cao Lãnh. Bình cùng một cán bộ công an khác đứng ngoài hành lang canh gác. Qua trình làm việc, Thanh khai nhận có cùng 2 đối tượng khác thực hiện 3 vụ trộm cắp xe máy. Biên bản làm việc kết thúc vào lúc 21h30 và Thanh đã ký vào biên bản.
Sau đó, từ 22-23h cùng ngày, Tòng tiếp tục lấy lời khai của Thanh và Thanh khai nhận cùng một số đối tượng khác là Giá “đầu bạc” trộm cắp 3 xe máy. Sau đó, Tòng báo cáo lãnh đạo Công an TP.Cao Lãnh về việc hỏi cung Thanh. Lãnh đạo Công an TP.Cao Lãnh đã chỉ đạo làm thủ tục tạm giữ hình sự đối với Thanh và chuyển Thanh đến nhà tạm giữ.
Khi tiếp nhận Thanh, cán bộ Đội cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp khám người Thanh và phát hiện hai bắp tay bị bầm đỏ, màu xẫm, phía ngực bầm đỏ; hai vai có vết trầy đỏ, hai chân từ đầu gối trở xuồng có vết xây sát ửng đỏ, chân đi khập khiễng. Tất cả các dấu vết này đã được ghi vào biên bản giao nhận người.
Sáng hôm sau, Thanh được trích xuất ra để làm việc với các cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội của Công an tỉnh Đồng Tháp... nhưng không lập biên bản, không ghi lời khai của Thanh.
Đến 12h cùng ngày, một cán bộ phát hiện Thanh không ăn cơm và gục trên bàn. Khi đỡ Thanh dậy thấy mặt xanh, miệng chảy nước dãi nên báo cáo lãnh đạo Công an TP.Cao Lãnh cử cán bộ đưa Thanh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp cấp cứu. Nhưng khi đến bệnh viện thì các bác sĩ xác định Thanh đã tử vong.
Kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng) xác định, nguyên nhân tử vong của Thanh: Chấn thương do tác động với lực tác động mạnh lên nhiều vùng cơ thể, trong đó có vùng nguy hiểm như ức, thượng vị.
Sau đó, Tòng và Bình đã bị cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khởi tố điều tra về tội “dùng nhục hình”.
Kết quả điều tra xác định, trong quá trình tham gia điều tra vụ án trộm cắp tài sản, Tòng và Bình đã có hành vi dùng tay, chân và cây ba trắc đánh Thanh khiến nạn nhân bị thương nặng dẫn đến tử vong.
Điều 298. Tội dùng nhục hình (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)