Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ thầy trò “hỗn chiến”: Cần tinh tế trong ứng xử sư phạm

(DS&PL) -

(ĐSPL) -Hãy thật tinh tế trong ứng xử sư phạm, Ths. MC Thanh Tùng – Giảng viên Khoa Quản lý kinh doanh, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chia sẻ về vụ thầy trò “hỗn chiến”.

(ĐSPL) - "Quan trọng nhất là phải giữ được bình tĩnh, nóng giận sẽ làm hỏng tất cả. Hãy thật tinh tế trong ứng xử sư phạm", Ths. MC Thanh Tùng – Giảng viên Khoa Quản lý kinh doanh, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chia sẻ về vụ thầy trò “hỗn chiến”.

Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh thầy trò "hỗn chiến" ngay trên bục giảng tại lớp 11A1, trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội khiến xôn xao dư luận.

Đã có vô số ý kiến phản hồi, bình luận về việc này, nhiều người cho rằng thầy giáo Anh Tuấn trong đoạn clip đã có những phát ngôn, hành động thiếu tinh tế và xử lý tình huống quá kém.

Phóng viên báo Đời sống và pháp luật đã có buổi trao đổi xung quanh vụ việc trên với Ths. MC Thanh Tùng – Giảng viên Khoa Quản lý kinh doanh, Đại học Công nghiệp Hà Nội.

- Cũng là một người thầy đứng trên bục giảng, anh nghĩ sao về hành động của thầy giáo Trần Anh Tuấn đánh 2 học sinh lớp 11A1, xảy ra hôm 20/1 vừa qua?

Tôi đã xem clip. Bất bình và thất vọng là cảm xúc của tôi. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì hành động một thầy giáo “nặng lời” rồi tát học sinh như vậy là khó có thể chấp nhận được.

Ths. MC Thanh Tùng – Giảng viên Khoa Quản lý kinh doanh, Đại học Công nghiệp Hà Nội.

- Anh có thể phân tích rõ hơn về cái sai của thầy giáo trong clip?

Đã đứng trên bục giảng, bản thân mỗi một nhà giáo đều phải ý thức rằng mình đang là một tấm gương để thể hệ trẻ noi theo. Không phải là không có lý khi nghề giáo vẫn được coi là nghề cao quý trong các nghề cao quý bởi tính mô phạm, chuẩn mực của nó.

Có thể những học sinh kia mắc lỗi, việc xử lý theo tôi là cần thiết. Tuy vậy, cách xử lý trong trường hợp này của thầy giáo đã đi quá xa, thiếu sự bình tĩnh và bao dung, thiếu tinh tế trong ứng xử sư phạm và ở một góc độ nào đó nó còn thể hiện sự bất lực của người dạy. Sử dụng những hình thức “dạy dỗ” kiểu như thế, khó lòng có được sự nể phục từ học sinh. 

- Trước sự việc này, nhiều người cho rằng, do thầy giáo Trần Anh Tuấn (24 tuổi) còn trẻ, kinh nghiệm đứng lớp chưa nhiều nên trong lúc nóng giận đã không kiềm chế được bản thân song cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc thầy "thương cho roi cho vọt" là bình thường, có dùng roi vọt là để uốn nắn, giáo dục học trò. Ý kiến của riêng anh về vấn đề này như thế nào?

Thực ra, những lý lẽ trên không sai, đã là con người thì cũng có lúc thế này thế kia, “thương cho roi cho vọt” cũng có những điểm tích cực của nó, song tôi nghĩ rằng đã là nhà giáo thì phải là người tiên phong hình thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử để người học nhìn vào và noi theo.

Cũng là giáo viên trẻ, tôi có phần thông cảm với thầy giáo Anh Tuấn. Nhiều khi kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp còn hạn chế, sự thiếu kiểm soát trong cảm xúc sẽ dẫn đến những điều đáng tiếc như vậy.

Tôi nghĩ rằng bản thân thầy giáo cũng đã rất hối hận với hành động của mình. Có thể coi như đó là một “bài học xương máu” mà bất cứ giáo viên nào cũng không nên lặp lại. Qua đây, tôi cũng hy vọng xã hội có cái nhìn bao dung hơn với thầy giáo Anh Tuấn, còn cả một quãng đường dài phía trước, những điều tốt đẹp vẫn có thể được xây nên từ sự cảm thông và chia sẻ.

- Trong quá trình dạy học, anh đã bao giờ gặp trường hợp học sinh hỗn láo hay đánh lại thầy giáo chưa?

Tôi may mắn là chưa gặp trường hợp nào như vậy cả. Nhưng cũng không ít lần các sinh viên “nhất quỷ nhì ma” làm tôi phiền lòng, có thể là nói chuyện, làm việc riêng trong lớp, hay đôi khi là một câu nói vô tình làm mình phải suy nghĩ. Những lúc ấy bực thì có bực nhưng tôi biết cách làm chủ cảm xúc của mình. Bình tĩnh phân tích cho các em hiểu kèm theo một tinh thần bao dung nhất định. Tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn!

Giảng viên Khoa Quản lý kinh doanh, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng người thầy trong ứng xử sư phạm phải thật tinh tế.  

- Là thầy giáo đồng thời là MC nổi tiếng, từ kinh nghiệm của mình, anh có thể chia sẻ về việc cẩn trọng khi phát ngôn cũng như khả năng kiềm chế của người thầy và người của công chúng?

Tôi sẽ nói trước với vai trò là một nhà giáo. Không biết có phải bí quyết gì không nhưng tôi luôn coi sinh viên của mình như những người bạn. “Bạn” mình có thể sai, mình ân cần góp ý, chắc “bạn” ấy sẽ hiểu và tiếp thu một cách rất tự nguyện. Quan trọng nhất là phải giữ được bình tĩnh, nóng giận sẽ làm hỏng tất cả. Hãy thật tinh tế trong ứng xử sư phạm.

Với vai trò là một MC truyền hình, tôi luôn tìm hiểu và chuẩn bị thật kỹ những điều sẽ nói, để tránh rủi ro xảy ra. Tuy vậy, đôi lần tôi “dở khóc dở cười” với những câu nói của mình. Những lúc như thế, sửa sai là điều nên làm. Hãy biết nói lời xin lỗi một cách chân thành! Tôi tin khán giả sẽ hiểu và thông cảm.

Xin cảm ơn anh. 

Xem lại clip thầy trò "hỗn chiến" trên bục giảng:

Kim Linh

Tin nổi bật