Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ thầy cúng truy sát cả nhà hàng xóm ở Nam Định: Nghi phạm đã tử vong giải quyết thế nào?

(DS&PL) -

Theo luật sư, do thầy cúng truy sát cả nhà hàng xóm ở Nam Định đã tử vong nên sẽ không khởi tố vụ án.

Theo luật sư, do thầy cúng truy sát cả nhà hàng xóm ở Nam Định đã tử vong nên sẽ không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, nếu nghi phạm có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.

Chiều hôm qua (7/3), đại tá Đặng Quang Tuyên, Chánh văn phòng Công an tỉnh Nam Định xác nhận với Thanh Niên, nghi phạm Trịnh Viết Ba (52 tuổi, tạm trú tại số 8B/25 đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), người đã truy sát cả nhà hàng xóm khiến 2 người chết vào rạng sáng ngày 4/3, đã tử vong tại Bệnh viện Việt Đức (thành phố Hà Nội).

Luật sư Giang Hồng Thanh nhận định về vụ án. Ảnh: Người Đưa Tin

Sau khi thầy cúng tử vong, nhiều người thắc mắc liệu nghi phạm có còn phải chịu trách nhiệm hay không? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh để lắng nghe những chia sẻ, giải đáp của ông.

Luật sư Thanh cho biết, về trách nhiệm hình sự, do người duy nhất thực hiện hành vi phạm tội đã chết nên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án. Vấn đề này được quy định tại Điều 157 Bộ luật này, cụ thể như sau:

"Điều 157. Không khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác".

Về trách nhiệm dân sự, nếu người phạm tội còn sống, người đó có nghĩa vụ bồi thường mọi chi phí liên quan đến việc mai táng người chết, chữa trị cho người sống, tiền bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của họ. Tuy nhiên trong trường hợp này người phạm tội đã chết nên nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.

Hiện trường vụ thầy cúng truy sát cả nhà hàng xóm ở Nam Định. Ảnh: Thanh Niên

Luật sư Cao Văn Tỉnh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, trong án hình sự, về nguyên tắc, cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự của người đã chết nhưng vẫn có quyền xem xét nghĩa vụ dân sự mà họ để lại chứ không thể “chết là hết” được. Về vấn đề này, trong Bộ luật Dân sự đã quy định, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên trong vụ án này, do người phạm tội cũng đã chết nên để có thể lấy được tiền bồi thường, trước hết gia đình nạn nhân cần liên hệ với người thừa kế tài sản của người phạm tội, như bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con của người phạm tội... để yêu cầu họ bồi thường. Nếu họ không tự nguyện bồi thường, gia đình nạn nhân phải thực hiện việc khởi kiện những người thừa kế đó tại TAND quận, huyện nơi họ cư trú để đề nghị Tòa án buộc họ phải bồi thường.

Luật sư Vũ Quang Bá – Công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Cùng nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Vũ Quang Bá – Công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: Khi nghi phạm Trịnh Viết Ba chết thì tùy từng trường hợp cơ quan điều tra có thể ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp có đủ căn cứ xác định đối tượng Ba là người duy nhất thực hiện hành vi phạm tội.

Nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 157, 158, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trong một số trường hợp, để đảm bảo cho việc xác minh về nguyên nhân, động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội, hoặc có cơ sở xác định còn có đồng phạm khác liên quan vụ án thì cơ quan điều tra vẫn có thể tiến hành khởi tố vụ án để điều tra theo quy định.

Luật sư Bá phân tích thêm: Trong trường hợp vụ án chưa được khởi tố, thì thời hạn kiểm tra, xác minh vụ việc không quá 2 tháng. Trong trường hợp hết thời hạn nêu trên, nếu vụ việc phức tạp cần gia hạn thì được VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền gia hạn tối đa không quá 2 tháng. Hết thời hạn trên, theo quy định tại Điều 147, Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra phải ra một trong các quyết định như quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi chờ kết quả giám định, định giá hoặc việc cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng chưa có kết quả.

Trước đó, rạng sáng 4/3, tại ngõ 25 đường Hoàng Hoa Thám, Trịnh Viết Ba, vốn làm nghề thầy cúng đã cầm dao sang nhà ông Bùi Sỹ Được (hàng xóm của Ba) đâm chém làm bà Phùng Thị Mai (vợ ông Được) và chị Phạm Thị Dung (42 tuổi, con dâu ông Được) tử vong. Chưa dừng lại, đối tượng này còn đâm ông Bùi Sỹ Được và con trai là Bùi Sỹ Thắng (46 tuổi) trọng thương. Sau khi gây án, nam thầy cúng về nhà khóa trái cửa rồi cắt cổ tự sát.

Nhận được tin báo, Công an tỉnh Nam Định đã đến hiện trường và phải phá cửa mới đưa được Trịnh Viết Ba đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định. Người này sau đó được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (thành phố Hà Nội) để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, Trịnh Viết Ba đã hôn mê sâu rồi tử vong vào ngày 7/3.

Nguyên nhân ban đầu của vụ án được cho là do Trịnh Viết Ba nghĩ mình bị ông Bùi Sỹ Được (cũng làm nghề thầy cúng) yểm bùa và gây khó khăn trong quá trình làm ăn.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật