Argentina đã bước đầu xác định được nguyên nhân gây nổ tàu ngầm ARA San Juan chở theo 44 người mất tích từ hôm 15/11 trên khu vực phía Nam Đại Tây Dương.
Quân đội Achentina đã công bố một số thông tin chi tiết nhất về vụ tàu ngầm hải quân mất tích từ giữa tháng 11 này. Phát ngôn Hải quân Argentina Enrique Balbi cho biết nguyên nhân nổ là do khí hydro. Theo ông, sự cố chập điện ắc quy tại đầu tàu ngầm đã gây cháy, tạo nên khí hydro và đây chính là nguyên nhân của vụ nổ.
Ông Balbi cho biết các pin điện trên tàu ngầm ARA San Juan thường xuyên tạo khí hydro, do đó khi xảy ra cháy sẽ tạo sức công phá rất lớn.
Trước đó, Hải quân Argentina cho biết chỉ huy tàu ARA San Juan từng báo cáo về sự cố chập điện do nước biển tràn vào hệ thống thông hơi, dẫn tới sự cố đoản mạch ở một ắc quy và gây cháy. Tuy nhiên, các thủy thủ đã khống chế được vụ việc.
Tàu ngầm Argentina nổ do khí hydro. Ảnh: Argentina Navy |
Vào khoảng 00h30 ngày 15/11, chỉ huy của chiếc tàu ngầm gọi về cho chỉ huy trên đất liền bằng điện thoại vệ tinh, nói rằng nước biển đã vào "ống thông hơi" của tàu – chỉ một ống tiếp xúc với bề mặt để làm mới không khí của tàu và nạp lại pin. Ông nói rằng nước đã khiến đoản mạch trong một ắc quy và gây cháy tuy nhiên khói đã được đưa ra ngoài và ắc quy cũng đã được cô lập.
Đến 6 giờ sáng cùng ngày, vị chỉ huy trưởng tiếp tục gửi cùng một thông điệp và chuyển tiếp thông điệp đó tới cơ sở sau cuộc trò chuyện qua điện thoại. Hơn 1 giờ sau đó, chỉ huy trường của tàu ngầm gọi về cơ sở một lần nữa, thông báo rằng tàu đang di chuyển, không có bất kỳ vấn đề nào về nhân sự.
Khoảng 10h31 phút sáng hôm 15/11, âm thanh tương tự một vụ nổ được phát hiện ở đại dương, gần vị trí cuối cùng mà tàu ngầm xuất hiện. Hải quân Argentina nói rằng họ không biết gì về âm thanh phát nổ này cho đến tuần trước, khi Mỹ và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố phát hiện ra dữ liệu âm thanh.
Thân nhân của các thủy thủ có mặt trên tàu đang rất lo lắng vì khả năng sống sót của họ vô cùng mong manh. Ảnh: CNN |
Chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm ARA San Juan vẫn đang được tiếp tục với sự phối hợp của 18 quốc gia, song chưa có nhiều tiến triển. Nhiều phương tiện tìm kiếm hiện đại của các nước như Nga, Mỹ đã được điều đến khu vực Nam Đại Tây Dương. Phạm vi tìm kiếm hiện nay là khoảng 40.000 km vuông từ vị trí mà IAEA phát hiện vụ nổ.
Các chuyên gia cho rằng tàu ngầm có thể bị chìm xuống độ sâu 3.000 m nếu dạt đến vùng đáy biển dốc. Ngày 27/11, biển động lớn tại vùng biển Nam Đại Tây Dương đã cản trở hoạt động tìm kiếm.
Các chuyên gia nói rằng tàu San Juan, nếu còn nguyên vẹn sau một tình huống khẩn cấp sẽ có khả năng cung cấp đủ không khí để mọi người tồn tại từ 7 đến 10 ngày. Ngoài ra, nếu tàu ngầm nổi lên hoặc ống thở vẫn thu được không khí từ bên ngoài, phi hành đoàn có thể có thêm nhiều thời gian hơn thế.
Hiện tại, 14 ngày đã trôi qua, nhưng đơn vị tìm kiếm vẫn chưa thể xác định được vị trí của con tàu và không có tiếp xúc nào được ghi nhận. "Đó là một tình huống khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm", ông Balbi cho biết.