(ĐSPL) - Sau khi bà nội và mẹ tử vong trong vụ tai nạn đau lòng, mặc dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa song cháu Huy (3 tuổi) đã tử vong.
Theo báo Dân Việt, ngày 2/2, thông tin từ Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, cháu Võ Văn Huy (3 tuổi) - nạn nhân trong vụ tai nạn ở cầu Rộ, huyện Thanh Chương vào chiều 1/2 đã tử vong tại bệnh viện.
Thiếu tá Trần Văn Hùng - Phó trưởng Công an huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết, sau khi khám nghiệm hiện trường, kết quả cho rằng chiếc xe tải nằm ở bên trái đường, lực lượng công an đo nồng độ cồn tài xế cho kết quả vượt quá mức cho phép, 0,37 miligam/lít khí thở.
Vụ tai nạn đã làm 3 người trong một gia đình tử vong - Ảnh: báo Dân trí |
Như báo Dân trí đã thông tin trước đó, khoảng 13h ngày 1/2, trên cầu Rộ bắc qua Sông Lam đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng: chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát 37C - 062.02 do anh Phạm Văn Lai (41 tuổi, quê Nghệ An) điều khiển đã va chạm với 2 chiếc xe máy mang biển kiểm soát 29U6 - 2956 và 37H6 - 4607.
Cú tông mạnh làm 4 người trên 2 xe máy bị thương nặng, trong đó 3 người rơi từ mặt cầu xuống chân cầu với độ cao khoảng 15m làm 2 người tử vong tại chỗ.
Nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Xuân và con dâu Vi Thị Huệ tử vong; người còn lại là cháu nhỏ 3 tuổi Võ Hùng Huy bị thương nặng. Anh Võ Văn Tĩnh (khoảng 30 tuổi) bố của cháu Huy không rơi xuống chân cầu nhưng bị văng vào lan can cầu, chân bị đứt lìa.
Được biết, cả 4 người nói trên là người thân trong một gia đình, trú tại huyện Thanh Chương.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lãnh đạo huyện Thanh Chương đã đến chia buồn với gia đình các nạn nhân, hỗ trợ trước mắt 5 triệu đồng/người tử vong và 3 triệu đồng/người bị thương.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra và xử lý vụ việc trên.
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009): 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; B) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)