Hơn 40 tỷ đồng cho vẻn vẹn 5,9 km đường nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xảy ra những sự cố hết sức nghiêm trọng. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên cho rằng đê sụt lún do địa chất. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định, nếu phát hiện sớm nền đất yếu sẽ xử lý được.
Sụt lún đê do địa chất?
Đời sống và pháp luật đã phản ánh trong bài trước về chất lượng thi công đoạn đê chạy qua thôn Hòa Thượng, xã Bạch Hạ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Công trình có chiều dài 5,9 km, do UBND huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư, tiêu tốn của ngân sách Nhà nước số tiền hơn 40 tỷ đồng nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng đã xảy ra những sự cố hết sức nghiêm trọng.
Ghi nhận tại hiện trường ngày 22/12/2020, hàng chục mét đường mới được đưa vào sử dụng đã đứt gãy và hư hỏng toàn bộ. Nhiều đoạn sụt lở có chiều sâu đến gần 1 mét, lộ ra những kết cấu hết sức rời rạc bên dưới, cho thấy nhiều dấu hiệu bất ổn trong chất lượng công trình. Đây là con đường giao thông chính của gần 10 nghìn người dân xã Bạch Hạ, hàng ngày có hàng nghìn lượt người- xe lưu thông. Con đường xảy ra sự cố đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và an toàn của người dân nơi đây.
Đoạn đường sụt lún kéo dài tại đoạn đê thuộc đội 9 thôn Hoà Thượng. |
Giải thích về nguyên nhân gây ra hư hỏng nhanh chóng của công trình trên, ông Nguyễn Quang Khải – Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên (BQLDA Phú Xuyên) đổ tại do địa chất ở khu vực này yếu nên mới gây ra hiện tượng sạt lở. Liệu, lời giải thích này có đủ sức thuyết phục với dư luận.
Theo một số các chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi, địa chất: Về mặt nguyên tắc, trước khi quyết định đầu tư một dự án, bắt buộc phải qua rất nhiều khâu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo khả thi hoặc cả hai, để phân biệt loại và cấp công trình chính của dự án. Việc thực hiện một hay hai bước báo cáo, sẽ do Chủ đầu tư quyết định theo quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành. Nói chung, để xây dựng một đường giao thông hoàn chỉnh bao gồm rất nhiều quy trình khắt khe.
Trong đó, quy trình khảo sát địa chất công trình gần như là công tác quan trọng nhất, bởi nó ảnh hưởng đến yêu cầu thiết kế kỹ thuật, sự an toàn và hiệu quả sử dụng lâu dài của công trình. Công tác khảo sát địa chất sẽ giúp xác định cấu trúc nền đất, tính chất cơ lý của các lớp đất nền, điều kiện nước dưới đất và các tai biến địa chất, đề xuất biện pháp thi công hữu hiệu nhất, thấy trước và dự đoán được những khó khăn, trở ngại có thể nảy sinh trong thời gian xây dựng và sử dụng công trình. Như vậy, nền đất yếu sẽ được phát hiện ngay từ khâu khảo sát địa chất ban đầu để tính toán và lên phương án thiết kế phù hợp.
Phát hiện sớm nền đất yếu sẽ xử lý được
Kỹ sư địa chất Tô Hữu Chiến cho biết: Nếu những bất ổn định trong cấu trúc địa tầng được phát hiện kịp thời thì với kỹ thuật xây dựng phát triển như ngày nay, có rất nhiều phương pháp để xử lý đối nhằm tránh việc xảy ra những hư hỏng hay hậu quả đáng tiếc, dẫn đến thất thoát và lãng phí ngân sách đầu tư.
“Sụt lở công trình có nhiều nguyên nhân gây ra, có nguyên nhân do đứt gãy địa tầng nhưng nguyên nhân này thường sẽ được phát hiện ngay trong quá trình khảo sát thiết kế”, kỹ sư Chiến nhận định.
Theo kỹ sư Nguyễn Minh Hiếu, có thâm niên hơn 20 năm trong lĩnh vực địa chất công trình: “Nền đất bùn là nền yếu, sẽ phải tiến hành xử lý ngay trước khi thi công. Với khoảng cách tiêu chuẩn giữa hai mũi khoan từ 50 đến 100m thì không có khả năng không phát hiện ra nền bùn được. Những công trình gần sông suối càng phải quan tâm nhất đến điều này, phải trao đổi với địa phương và các cơ quan hữu quan về công trình đê đập thủy lợi, thủy điện liền kề hiện đang sử dụng; sự ảnh hưởng của các công trình này tới chế độ thủy văn dọc tuyến và công trình thoát nước trên đường; các yêu cầu của thủy lợi đối với việc xây dựng cầu và đường…”
Vậy BQLDA Phú Xuyên; đơn vị tư vấn giám sát, thiết kế; đơn vị thi công đã làm đúng và đầy đủ các trách nhiệm của mình hay chưa khi không kịp thời phát hiện ra những nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, sự an toàn của công trình?
Năm 2017, con đường bê tông thuộc dự án "Cải tạo đê sông Lương" bị sụt lún nghiêm trọng. Đơn vị thi công cũng chính là công ty Chí Cường. |
Khoảng 4 năm trở lại đây, công ty CP tư vấn Đầu tư Xây dựng Chí Cường đã là nhà thầu “quen mặt” trong các dự án của huyện Phú Xuyên khi liên tiếp trúng nhiều gói thầu giá trị hàng chục tỷ đồng tại địa phương này nhưng chất lượng thì luôn là câu hỏi còn rất nhiều nghi vấn. Còn nhớ, 3 năm trước, trong vụ việc sụt lún, rạn nứt tại dự án “Cải tạo đê sông Lương” do UBND huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư, cũng chính công ty Chí Cường là nhà thầu thi công. Với một nhà thầu có lịch sử thi công “bết bát” như vậy, không hiểu sao vẫn liên tục trúng nhiều gói thầu khủng tại địa phương này?
Trở lại với công trình tại Bạch Hạ, Phú Xuyên, vấn đề dư luận quan tâm ở đây là, một công trình vừa đưa vào sử dụng đã xảy ra hư hỏng nghiêm trọng, trách nhiệm của chủ đầu tư; tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thầu thi công ở đâu? Chất lượng công trình có được đảm bảo theo đúng thiết kế đã được duyệt, tuân thủ nghiêm túc các quy trình theo quy định của pháp luật?
Lê Tuấn – Duy Trung