Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ shipper bị đánh gãy hai tay ở Quảng Ngãi: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Theo Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, việc anh shipper bị đánh gãy hai tay có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao trước sự việc shipper Lâm Anh Đạt (24 tuổi, trú TT.Chợ Chùa, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) bị hai vợ chồng người nhận hàng sử dụng tuýp sắt, ghế inox… đánh gãy hai tay.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Phú Vũ, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc anh shipper đến nhà giao hàng bị hai vợ chồng đóng cửa dùng hung khí là tuýp sắt và ghế inox đánh gây thương tích ở hai tay, phải nhập viện mổ, cho thấy hành vi trên đã có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, được quy định tại Điều 134 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

"Với hành vi như trên, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, được quy định tại Điều 134 bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Còn áp dụng mức hình phạt nào, thì phải phụ thuộc vào kết quả giám định thương tật của cơ quan thẩm quyền để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể, theo quy định tại Điều 134 bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", ông Vũ nhận định.

Người phạm tội trong trường hợp này không chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý hình sự (hình phạt) mà còn phải chịu trách nhiệm pháp lý dân sự (bồi thường thiệt hại cho người bị hại do sức khỏe của họ bị xâm phạm).

Nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Tiền Phong

Theo ông Vũ, trong trường hợp có hành vi dùng tuýp sắt và ghế inox để đánh gây thương tích shipper là hành vi dùng "hung khí nguy hiểm" (đối chiếu với quy định pháp luật thì tuýp sắt, ghế inox là hung khí nguy hiểm). Do đó, nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại ở mức dưới 11% thì hành vi của hai vợ chồng này vẫn bị khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 134 bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của người bị hại. Còn mức hình phạt như thế nào thì phải phụ thuộc vào kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể, tính chất, mức độ của hành vi để xử lý mức hình phạt tương ứng với các khung hình phạt quy định tại Điều 134 bộ luật Hình sự nêu trên.

Trường hợp người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% - 30%, hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, như: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có nguy cơ gây nguy hại cho nhiều người...

Bình luận về tình tiết người chồng gọi người vợ đóng cổng rồi dùng tuýp sắt, ghế inox cùng đánh shipper là hành vi cố ý gây thương tích cho người khác, cả hai vợ chồng đều vi phạm.

"Trong trường hợp này, người vợ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 bộ luật Hình sự", ông Vũ nói.

Thông tin về sự việc trước đó, báo Tiền Phong cho hay, vào trưa 17/2, anh Đạt đến nhà ông Trương Đình Nhạt (trú thôn 1, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa) để giao đơn hàng là 2 cây hoa với phí 230.000 đồng. Ông Nhạt không chịu nhận hàng. Anh Đạt nói nếu không nhận thì phải trả phí giao hàng.

Lời qua tiếng lại, ông Nhạt đấm đá vào người Đạt và dùng bình hoa đập vào đầu anh. Sau đó hai vợ chồng ông Nhạt dùng tuýp sắt và ghế inox đánh anh gãy cả hai tay.

Trưa 19/2, Bệnh viện Quân y C17 (Đà Nẵng) tiến hành ca mổ để cố định lại phần xương cho anh Đạt.

Ca mổ kéo dài 2 tiếng, các bác sĩ đã đưa phương tiện kết xương (đinh, vít, ốc…) vào tay bệnh nhân để cố định lại xương. Hiện sức khỏe của anh Đạt ổn định. Tuy nhiên bệnh viện cho hay, để phục hồi, có thể làm những công việc nhẹ phải mất tới 6 tháng.

Trong khi đó, anh Đạt là lao động chính của gia đình. Trước khi đi làm shipper, anh làm công nhân tại Khu kinh tế Dung Quất. Khi bùng phát dịch, công ty cắt giảm nhân sự nên anh phải nghỉ việc. Căn nhà gia đình Đạt đang ở do anh đứng ra vay ngân hàng hơn 600 triệu đồng và quyết tâm đi làm trả nợ.

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật