Báo Người lao động đưa tin, ngày 18/4, tin từ Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can đối với 14 bị can liên quan tới đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả mà Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa mới triệt phá.
Theo đó, căn cứ quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 29/3/2025 về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", quy định tại Khoản 1, Điều 194 Bộ Luật Hình sự, ngày 1/4, VKSND TP Thanh Hóa đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can đối với Dương Thị Oanh, Phạm Thị Thảo (trú tại TP Thanh Hóa) về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".
Các bị can liên quan tới đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả. Ảnh: Báo Người lao động.
Tiếp theo, vào ngày 10/4, VKSND TP Thanh Hóa tiếp tục phê chuẩn khởi tố đối với các bị can Lương Ngọc Hóa, Phạm Thị Thu, Ngô Văn Chất, Nguyễn Tiến Đạt, Ngô Thị Thu Hoa, Nguyễn Thị Thắm về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh"; Đỗ Mạnh Nam và Nguyễn Văn Bền Thảo về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; Trịnh Doãn Giáo về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự.
Mới đây nhất, vào ngày 15/4, VKSND TP Thanh Hóa đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với các bị can Vũ Văn Lộc, Trần Thị Kim Phụng, về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", quy định tại Khoản 1, Điều 194 Bộ Luật Hình sự; Trương Tấn Tạo về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" quy định tại Khoản 1, Điều 194, Bộ luật Hình sự.
Cũng trong ngày 18/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, đơn vị đã có kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu về các mẫu thuốc được thu giữ trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả.
Theo báo Xây dựng, xét nghiệm cho thấy, nhóm thuốc đông y giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong đông y. Ngoài ra, nhóm thuốc tây y giả chưa phát hiện dược tính độc hại, nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.
Hình ảnh tại một nơi chế biến thuốc giả. Ảnh: Báo Người lao động.
Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết thêm, các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả không có trình độ chuyên môn về sản xuất thuốc. Chủ yếu mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.
Trước đó, ngày 16/4, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thông tin về việc Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Thanh Hóa) vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh" do Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) cầm đầu.
Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả công an thu giữ được gần 10 tấn. Kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền ước tính gần 200 tỷ đồng.
Hiện, vụ án đang được Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra, mở rộng